Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Tiểu sử chùa Nam Sơn

Nam Sơn cổ tự


14/11/2012 10:14  Nguyễn Văn Liêm





Chùa Nam Sơn tọa lạc tại Thôn 2 làng Thanh Thủy Thượng (nay là tổ 8 Khu vực II Phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy). Chùa cách Quốc lộ 1A khoảng 300 mét, cách Thành phố Huế khoảng 5 km về phía nam. Cái tên Nam Sơn được đặt cho chùa có lẽ là từ phú chúc ấn chứng của làng : “Phước như Đông Hải, Thọ tỉ Nam Sơn”, cũng do vậy làng Thanh Thủy Thượng có hai ngôi chùa, chùa Nam Sơn tọa lạc chính hướng Nam và chùa Đông Hải tọa lạc chính hướng Đông.

Chùa Nam Sơn được thành lập vào đời Cảnh Hưng năm thứ hai 1741 cùng một thời với sự khai lập làng Thanh Thủy Thượng (nay là Phường Thủy Dương).  Vào khoảng năm 1806, ngôi chùa Nam Sơn đã dần dần xuống cấp, thập nhị Tộc trưởng và các lão nhiêu trong làng, cùng vợ chồng ông Phùng Hữu Thông (sinh năm 1749) và bà Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1750) đã đóng góp công của để trùng tu lại ngôi chùa Nam Sơn.






Tam quan Chùa Nam Sơn
Theo kể lại của vị cựu Tộc trưởng là ông Phùng Diệu thì khi bà Thuận khi về làm dâu họ Phùng, biết nhạc mẫu là người giàu có nhưng lại làm nghề cho vay, cầm cố khế ước của dân nghèo. Bà sợ nghiệp quả sau này cho con cháu nên đã bàn bạc với chồng và hai vợ chồng nhất trí là chưa vội sinh con, để sau khi mẹ mất sẽ xóa nợ, trả lại giấy tờ khế ước cho vay nợ, đồ đạt, ruộng đất cho dân rồi mới sinh con. (với thời kỳ ấy, đây là một quyết định hết sức trọng đại vì nếu chậm con hoặc không có con thì sẽ phạm vào một trong bốn đại tội). Sau khi mẹ mất, hai ông bà đã thực hiện ý định của mình, rồi tiếp tục sinh sống làm ăn bằng bàn tay lao động của mình Thời gian sau, vợ chồng trở nên khá giả, hai ông bà đã lên vùng Bao Vinh – Huế mua lại một ngôi nhà rường để về làm nhà thờ. Khi đem về chùi rửa cột kèo ở dưới sông, phát hiện có một cái cột nhà mà phần gốc nổi lên còn phần ngọn lại chìm xuống. Thấy chuyện lạ, thợ mộc bảo rằng ngôi nhà này bị yểm và khuyên ông bà nên vứt bỏ cây cột này đi. Thế nhưng với sự tò mò, ông bà đã phát hiện trên phần ngọn (gần chỗ gát kèo) có một dấu vết một ô hình chữ nhật, gỡ ra thì thấy trong đó có rất nhiều vàng bạc châu báu, chính điều đó đã làm cho phần ngọn của cột nặng và chìm xuống. Không tìm được người chủ nhà để trả lại, hai ông bà đã bán số vàng bạc trên rồi xin được góp phần vào việc tu sửa lại ngôi chùa cổ Nam Sơn. Sau này, trước khi mất bà Thuận đã xin được chôn cạnh chùa để được nghe Kinh Kệ. Mộ của bà là một cái lăng “Kiều ngựa” lớn gần cây thị ở bên trái chùa. Con cháu của hai ông bà sau này rất đông đúc phát triển thành 3 nhánh của họ Phùng làng Thanh Thủy Thượng hiện nay và đều làm ăn khá giả, học hành đỗ đạt, đó cũng chính là nhờ phước đức cộng nghiệp của ông bà vậy.




Long vị của Vị tổ đầu tiên của chùa Hòa Thượng Đại Chiếu – Viên Minh.
Sau khi tu sửa ngôi cổ tự Nam Sơn xong, ông bà cùng các lão nhiêu trong thôn vào thảo am cung thỉnh Hòa thượng Đại Chiếu – Viên Minh đang tu thiền trong cốc ở đồi phía nam Độn Sầm ra làm trú trì để giảng đạo cho dân chúng. Hòa thượng xuất gia lúc mấy tuổi, quê quán ở đâu không rõ, nhưng theo khẩu truyền thì Ngài vốn là người giản dị, thích nơi thanh vắng, chuyên tu pháp môn tham thiền nhập định. Hiện tại trong chùa còn long vị của Ngài, trên đó ghi rõ: “Truyền Lâm tế chánh tông, Đệ Tam thập thất đại, Thượng nhật Hạ Tân, húy Đại Chiếu, thụy Viên Minh lão Hòa thượng mạo tọa”. Như thế vị tổ đầu tiên của chùa là Đại lão Hòa thượng Nhật Tân, húy Đại Chiếu, hiệu Viên Minh đời thứ 37 thuộc truyền thừa của Lâm tế Chánh tông sau ngài Liễu Quán hai đời. Khi gần thị tịch, Ngài lại trở vào thảo am trong núi để tu thiền. Hiện nay  tháp Ngài đang còn ở đó được xây dựng cách chùa khoảng chừng 800 mét. Chùa Nam Sơn cũng đã được vua Minh Mạng sắc phong “Sắc tứ Nam Sơn tự”.

Tượng Bồ Đề Đạt Ma – Phia sau là Long vị của Vị tổ đầu tiên của chùa Hòa Thượng Đại Chiếu – Viên Minh.

Chùa Nam Sơn sau khi trùng tu lần thứ nhất được kiến trúc theo lối cổ, nhà rường một căn hai chái, trước có một tiền đường, tất cả các vật dụng trang hoàng trong chùa đều được chạm trổ mỹ thuật. Gian giữa thờ 3 tượng Phật, hai gian hai bên thờ tượng Hộ pháp và Quan Thánh. Chiến tranh đã làm mất một tượng Phật nhỏ, còn lại một tượng Phật nhỏ và một tượng Phật lớn bằng gỗ mít thếp vàng. Năm 1968, chùa lại bị bom đạn tàn phá và đến năm 1971 được tái thiết lại theo lối kiến trúc mới gồm một chánh điện ba gian, một nhà hậu tổ và một tiền đường bằng bê tông cốt sắt kiên cố như dạng chùa Từ Đàm cũ, ngoài ra còn có một nhà tăng ba gian lợp ngói.
Hiện chùa còn giữ lại được một số cổ vật quý giá đó là pho tượng Bổn sư bằng gỗ mít thếp vàng, tượng Ngài Hộ pháp, tượng Ngài Quan Công, Quan Bình và Châu Xương, long vị của Tổ sư Hòa Thượng Đại Chiếu – Viên Minh, chiếc hồng chung đúc từ thời Bảo Đại năm thứ 12, hiện trên chuông còn dòng chữ “Bảo Đại thập nhị niên…” và 6 câu đối cổ. Hai bức đối trước mặt Tổ, câu bên trái mang dòng chữ “Thần Công Quảng Phổ Thiên Thu Phong Hóa Chiếu Nam Thiên” (Đông Nguyệt Nhật Thượng Hoán), câu bên phải mang dòng chữ “Thánh Đức Chiêu Chương Vạn Tải Ân Quang Lưu Việt Địa” (Long Phi Kỷ Tỵ Niên). Bốn bức treo hai bên Tổ, gồm hai cặp câu đối  “Lực Địch Vạn Nhân Thiên Hạ Hữu” “ Danh Lưu Thiên Cổ Thế Gian Vô” và “Thần Trung Tử Hiếu Thiên Thu Giám” “Tổ Đức Tôn Công Vạn Thế Cơ”. Các câu đối này có lẽ có từ đời nhà Hậu Lê vào năm 1749 (Long Phi Kỷ Tỵ Niên)

Pho tượng Phật cổ bằng gỗ mít thếp vàng

Chiếc hồng chung đúc vào thời Bảo Đại thứ 12


Cách thờ tự trong chùa cũng giống như các chùa khác ở Huế. Chính điện của chùa được thờ đức Bổn sư và hai vị tôn giả An nan, Ca diếp. Hai bệ thờ hai bên thờ Ngài Địa Tạng Bồ tát và Quán Thế Âm Bồ tát. Phía trước ở cấp dưới một bên thờ Tượng Ngài Hộ pháp, Quan Công, Quan Bình, Châu Xương, một bên thờ Ngài Tiêu diện Đại sĩ. Phía hậu tẩm, bàn giữa phía trước thờ tượng Đạt ma Tổ sư, phía sau là Long vị Tổ sư Đại Chiếu – Viên Minh, hai bên là ảnh của Hòa thượng Thích Đôn Hậu và Hòa thượng Thích Mật Hiển.

Chính điện chùa Nam Sơn

và Hậu điện chùa Nam Sơn


Từ sau khi Ngài Tổ Đại Chiếu – Viên Minh tịch thì chùa Nam Sơn không  có đệ tử kế thừa trú trì, chỉ có những cư sĩ được mời vào trông coi, hương khói, kinh kệ cùng khuôn hội Phật giáo Nam Sơn. Đến năm 1992 Thượng tọa Thích Tâm Pháp được bổ nhiệm về làm Trú trì chùa Nam Sơn và đó cũng là vị tu sĩ thứ hai của chùa. Thượng tọa Thích Tâm Pháp khi về chùa đã sửa sang lại Tháp Tổ, xây thêm hai nhà Tăng ở phía sau chùa, xây lại cổng chùa theo kiểu giống cổng chùa Từ Đàm – Huế và một hồ sen có đặt tượng Quán Thế Âm lộ thiên. Hiện nay, Thượng tọa Thích Tâm Pháp đã giao cho Đại đức Thích Huyền Trí là đệ tử của Thượng tọa làm Tri sự trông coi tăng chúng tại chùa.

Hồ sen có đặt tượng Quán Thế Âm trong khuôn viên chùa

Toàn bộ hệ thống kiến trúc chùa theo hình chữ khẩu, kiểu kiến trúc của chùa Huế truyền thống gồm chùa, hậu tổ, tăng đường và trai đường khép kín tạo thành một khoảng sân nhỏ ở giữa đặt chậu hoa cây kiểng vừa trông rất thiên nhiên vừa tạo được sinh khí trong chùa.

Hậu viên chùa Nam Sơn

Trãi qua gần 270 năm, ngôi chùa cổ Nam Sơn qua bao thăng trầm, nhiều lần được trùng tu, đến nay đã trở nên khang trang hơn, là nơi sinh hoạt và tu học của các đạo hữu trong Niệm Phật đường và Gia đình Phật tử Nam Sơn.

N.V.L


Nguyễn Văn Liêm (theo LQO)


  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Tiểu sử chùa Nam Sơn Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng