Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Chiếc bút máy của Ba tôi



CHIẾC BÚT MÁY CỦA BA TÔI

                                                            Ngô Văn Phố

                                                             CGC Thủy Dương

Vừa bước chân đến  nghĩa trang, không gian  trầm lắng và mùi thơm của trầm hương làm cho lòng tôi lắng lại. Len qua những dãy lăng mộ, tôi dừng  trước ngôi mộ: Liệt sĩ Ngô Văn Dinh. Tiểu đội trưởng du kích…Chỉ mấy hôm không đến mà cỏ dại, lá thông khô phủ  quanh mộ. Tôi nhổ cỏ, dọn sạch sẽ rồi đốt hương, lấy chiếc bút máy đặt trước tấm bia. Thành kính trước mộ, tôi thưa với Ba:

- Kính lạy Ba. Đến hôm nay, cháu Thùy Dung đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm  đang làm việc tại Sở Ngoại vụ, cháu  Nguyên Vũ đã đi làm nhưng cũng đã lấy bằng bác sĩ Y học Dân Tộc, cháu Tâm Ngọc tốt nghiệp Đại học Khoa học- Khoa Môi trường đang làm việc tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam . Mong ước của Ba đã được toại nguyện, con xin gửi lại chiếc bút máy cho Ba…

Nhìn chiếc bút máy đã theo tôi suốt một thời gian dài, vui buồn có nhau - nay phải ngậm ngùi chia tay - trong đầu tôi hiện lên những ký ức của những năm tháng  trước đó mà ngỡ như mới ngày hôm qua…


Những ngày ấy, dù trời nắng hay mưa, sáng nào tôi cũng dậy rất sớm, vệ sinh cá nhân xong là phải nhanh chóng bắt nồi cám heo lên bếp. Vừa đun cỏ khô vào bếp, tôi tranh thủ học  bài:
                “ Tay mẹ gầy như đôi ống trúc,

                  Vẫn mang niềm hạnh phúc cho con.

                  Tháng năm khuya sớm mỏi mòn

                  Hy sinh thân mẹ, lo tròn tình thương…”

Từng chữ của bài học thuộc lòng làm đau nhói trái tim non nớt của tôi. Tôi ao ước có được một tình thương như trong bài học. Nhưng ao ước cũng chỉ là ước mơ, vì lúc Ba tôi hy sinh, mẹ tôi còn quá trẻ cần có một bờ vai để nương tựa, mẹ tôi có gia đình mới từ khi tôi học cuối năm lớp hai. Nước mắt buồn của một đứa bé mồ côi, quyện lẫn với nước mắt do khói từ cỏ chưa đủ khô để cháy đã không biết bao buổi sáng làm sưng mọng đôi mắt tôi.

Thời khóa biểu hàng ngày diễn ra như một chương trình soạn sẵn cho tuổi thơ tôi từ khi mới vào lớp ba: Sáng dậy sớm nấu cám heo, đi học. Trưa về nhà có gì ăn nấy, mà chủ yếu là canh bột lộn nấu với ruốc. Nghỉ tí chút, ra dãy cỏ quanh vườn. Cỏ được rủ sạch phơi khô để đun nấu. Nếu hết gạo thì xây thóc, giã gạo, ăn tối. Công việc diễn ra đều đặn như thế, cho nên khi ngồi vào bàn dưới ánh sáng tờ mờ của cây đèn dầu thì hai mắt tôi nhắm lại, thân thể mỏi nhừ. Tôi gục xuống bàn ngủ gật. Có lần con mèo nhảy lên đầu tôi ngồi mà tôi vẫn ngủ say  không hề hay biết.

Sức học của tôi giảm dần. Từ trung bình xuống yếu kém. Tư tưởng chán nản lớn dần trong tôi. Đâu đó chập chờn hiện ra ý tưởng bỏ học.Về nhà thì bị la mắng là lười học. Đến trường thì mặc cảm thua bạn bè. Đi học chẳng có sách, phải mượn bạn bè mỗi người ít hôm, riết rồi không muốn làm phiền bạn bè nữa, thôi thì học chay. Những kiến thức thầy dạy, tiếp thu chẳng hết nữa là. Học chi mà khổ quá. Ý tưởng bỏ học lớn dần trong tôi.

Một buổi sáng sau khi đi học về, tôi được báo tin ông nội đang dời mộ của ba tôi.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, ba tôi là một tiểu đội trưởng dân quân du kích tập trung của xã Hồng Thủy đóng ở nhà Văn Thánh. Tháng 12.1946 mặt trận Việt Minh phát động bao vây địch ở thành phố Huế. Ông cùng đồng đội đóng quân ở cung An Định, tham gia chiến đấu đánh Pháp ở khách sạn Morin. Thực dân Pháp đổ bộ chiếm thành phố Huế, mặt trận vỡ, ông trở về địa phương hoạt động bí mật trong lòng địch để xây dựng cơ sở. Đầu năm 1947 đội du kích xã Thủy Dương được thành lập trên cơ sở  lực lượng du kích tập trung trước đây. Tháng 9.1948 đội du kích Thủy Dương được giao nhiệm vụ phối hợp với Cảm tử quân của hai huyện Hương Thủy, Phú Vang đánh đồn Sư Lỗ. Đồn Sư Lỗ đóng giữa địa bàn của hai huyện Hương Thủy và Phú Vang, do đội Cẩm, một tên tay sai ác ôn chỉ huy. Đội Cẩm thường cho quân đi càn, đi ruồng bố các làng Thanh Toàn, Lang xá - nơi đóng  các cơ quan chủ chốt của huyện kháng chiến Hương Thủy - gây nhiều khó khăn cho ta.

Hôm đó là một đêm trăng vào mùa nước lụt, đội du kích và lực lượng Cảm tử quân trên những chiếc ghe nhỏ theo ba mũi băng qua các thửa ruộng đang đầy nước, tiến vào bao vây đồn địch. Tiếng súng gầm vang cả một vùng trời. Sau một giờ tấn công quyết liệt, dù chưa diệt được đồn Sư Lỗ, chỉ  diệt được một số sinh lực địch,  nhưng trận đánh có ý nghĩa rất lớn: thể hiện Việt Minh đang còn, đã đánh Pháp và còn đánh mạnh. Khẳng định được niềm tin tốt đẹp trong nhân dân về lực lượng cách mạng không những đang  tồn tại mà còn  phát triển .

Trong trận đánh này, ba tôi bị  thương ở động mạch cổ. Vết thương không nặng nhưng do điều kiện thuốc men thiếu thốn, phương tiện di chuyển chỉ bằng chiếc ghe nhỏ, vì thế khi vào đến vùng rẫy của làng Thanh Thủy Thượng thì ba tôi mất nhiều máu phải qua đời. Đồng đội chỉ xin được manh chiếu nhỏ chôn tạm ba tôi cạnh cây mít ở rẫy của ông Viên Cà.

Tôi lớn dần trong bụng mẹ tỷ lệ thuận với những nghi ngờ của nhà nội tôi. Chỉ khi tôi ra đời, người ta tính lại đêm ba tôi về thăm nhà lần cuối trước khi hy sinh mới tin rằng tôi là con của ba.

Khi vào đến Cồn Mồ, ông nội và các chú tôi đã chuyển hài cốt của ba tôi vào chiếc quan tài nhỏ. Ông nội đưa cho tôi một chiếc bút máy:

- Đây là kỷ vật còn lại duy nhất của ba cháu.

Tôi nâng niu ngắm nhìn chiếc bút. Đó là chiếc bút máy sản xuất thời kỳ Pháp thuộc. Vỏ chiếc bút bằng nhựa màu xanh lục. Trên vỏ vẫn còn vết máu của ba tôi, qua thời gian đã chuyển sang màu đen và khô cứng lại. Mở nắp, lưỡi  bút hơi bị gỉ sét. Ống nhựa chứa mực vẫn còn nguyên. Ông nội tôi nói:

- Trong một lần tay không đánh nhau với giặc, ba cháu đã mưu trí lấy được một cây súng trường của tên Pháp ở đồn An Cựu, được huyện Hương Thủy thưởng một tấm vải và cây bút máy.  Không biết chữ, nhưng ba cháu rất quý cây bút. Đi đâu cũng dắt cây bút trên túi áo. Ai hỏi, ba cháu nói để khi hòa bình lập lại sẽ đi học. Sinh ra trong gia đình nông dân, nhưng mơ ước lớn nhất của ba cháu là được cắp sách đến trường.

Mơ ước của ba tôi gắn liền với cây bút máy in đậm vào đầu óc non nớt của tuổi thơ tôi, theo tôi đi suốt cuộc đời.

Từ ấy, những lúc tôi buồn khổ nhất, bơ vơ nhất, cây bút máy là nguồn an ủi động viên tôi. Sự chán nản việc học được đẩy lùi dần, thay vào đó là ý chí vươn lên cho dù phải bám víu với từng cành cây ngọn cỏ. Những lúc thân thể mỏi nhừ khi ngồi vào bàn học, hai mắt nhíu lại thì tôi cố hình dung hình ảnh của ba tôi với cây bút máy trên túi áo, miệng mĩm cười động viên tôi. Một hình ảnh mơ hồ về khuôn mặt của ba chưa một lần tôi biết đến, quyện với hình ảnh đám cỏ chỉ cố gắng luồn qua mọi ngóc ngách để tìm thấy ánh sáng mặt trời hiện rõ trong tiềm thức. Tất cả đã làm cho tôi tỉnh ngủ, ngồi thẳng dậy tiếp tục học bài.

Sức học của tôi được cải thiện dần. Kết quả phấn khởi đầu tiên là cuối năm đó tôi đỗ vào lớp đệ thất trường công lập. Hồi đó thi vào đệ thất - tương đương với lớp 6 bây giờ - còn khó như thi vào đại học.

Cũng vào năm đó, khi tôi mới vào nhập học lớp đệ thất, dì và các em tôi lên tàu vào Nam theo chồng. Cái phao bám víu cuối cùng của cuộc đời tôi không còn nữa, tôi lại tự thân đơn độc vào đời. Hành trang chỉ có cây bút máy của ba tôi.

Những năm học cấp hai là những năm tháng tôi được tự do, không bị ai ràng buộc, không bị lao động nặng nhọc. Một mình ở trong một căn nhà rộng rãi. Chỉ có cái khổ nhất là tự nấu ăn. Chủ yếu là nấu cơm, còn thức ăn có gì ăn nấy. Món thường ngày là nước tương kho. Dùng vài muỗng nước tương, đổ thêm một chén nước trong, hòa thêm tí muối, có thêm một ít bột ngọt, nấu sôi lên là có món thức ăn dùng trong ngày. Bữa nào có dĩa rau muống luộc chấm nước tương kho là trở thành một bữa ăn thịnh soạn. Cơ thể tôi ngày càng ốm do thiếu dinh dưỡng, nhưng ý chí vươn lên ngày càng phát triển mạnh trong tôi.

Thi đậu Diplome, tôi vào học cấp ba trường Quốc học.Trong giai đoạn này, Mỹ trực tiếp đổ quân vào miền Nam thực hiện chiến lược Chiến tranh Cục bộ. Chính quyền Miền Nam tăng cường bắt lính. Học sinh chúng tôi chỉ có một trong hai con đường để lựa chọn. Một là phải thi đỗ Tú Tài để được hoãn dịch. Hai là nếu thi hỏng thì phải đi lính.Trong hoàn cảnh hết sức thiếu thốn về điều kiện vật chất, tôi chỉ biết cắm cúi học không kể ngày đêm, không kể lúc nào. Những lúc thân thể mệt rã rời, tôi lấy cây bút ra mân mê, thư giãn vui buồn một lúc rồi học tiếp.

Đỗ Tú tài, biết thủ phận với điều kiện vật chất hiện có, tôi thi vào trường Sư phạm Quy Nhơn. Đây là trường đào tạo giáo viên tiểu học cho các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị vào đến Phan Thiết. Nếu được tuyển làm giáo viên ở vùng nông thôn sẽ hưởng hoãn dịch, khỏi đi ngược lại con đường của ba tôi.

Năm 1970, được chính thức làm giáo viên đứng trên bục giảng nhưng lòng tôi vẫn luôn nung nấu mong ước sẽ học tiếp Đại học. Năm 1983 con trai út ra đời, tôi đặt tên Tâm Ngọc để nhắc nhở với các con tôi rằng: con người muốn có một cái Tâm sáng  như viên Ngọc chỉ có một con đường duy nhất là phải có trí tuệ, muốn có trí tuệ thì phải học. Đó cũng là ước nguyện của Ba tôi mà tôi muốn trao lại cho các con tôi. Cũng trong năm này, tôi xin phòng Giáo dục cho đi thi vào khoa Sử Trường Đại học Sư Phạm Huế. Vừa ru con tôi vừa ôn tập:

“.. À..ơi..

Nhà còn ổ chuối lửa rơm

Nó đi đánh giặc đêm hôm sưởi gì

Năm xưa cơm củ ngon chi

Năm nay cơm gié nhà thì vắng con ..”

                                  ( Tố Hữu- Bà bủ )

Thi đỗ, được theo học hệ chính quy - là một sinh viên đã có vợ và ba con - cùng học với sinh viên mới tốt nghiệp phổ thông là những áp lực lớn đè nặng trong tôi. Khó khăn là vậy, nhưng lúc này tôi học không phải chỉ để cho bản thân mà còn thực hiện mơ ước của ba tôi, làm gương cho các con tôi. Bốn năm dài trôi qua, với nổ lực không mệt mỏi, tôi tốt nghiệp với kết quả loại Giỏi…

Tôi xới đất trên ngôi mộ, gửi lại chiếc bút máy cho ba. Phải nén lòng nuốt nước mắt vào trong, tôi bùi ngùi như phải chia tay một người thân. Tôi thì thầm bên làn khói hương đang lan tỏa:

- Ba ơi,  người ta có Ba để thương yêu, chăm sóc, phụng dưỡng. Con chỉ làm được một việc để thể hiện lòng hiếu thảo của mình: con đã hoàn thành ước nguyện của ba.



Nén tâm hương dâng lên Ba nhân ngày húy nhật lần thứ 66 -14.9 Al.(1948-2014).

NGÔ VĂN PHỐ

Nguyên GV. THPT Hương Thủy

  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

1 Comments:

  1. I see your page needs some unique content. Writing
    manually is time consuming, but there is tool for this task.
    Just search for; Digitalpoilo's tools

    ReplyDelete

Item Reviewed: Chiếc bút máy của Ba tôi Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng