Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Đình làng Thanh Thủy Thượng-Nơi tổ chức các lễ hội truyền thống .



Cũng như những làng xã cổ truyền khác, Thanh Thủy Thượng có những ngày hội riêng của làng mình. Đó là những ngày hội mang tính cộng đồng, dân tộc lành mạnh, bao hàm các nội dung: Thể hiện ý thức “ Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn Tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, ngoài ra còn để bồi dưỡng sức dân sau những tháng ngày lam lũ. Với hoàn cảnh riêng, làng TTT không có những ngày hội làng dài ngày tốn kém. Trong năm, làng có ba ngày hội lớn : Hội mùa Xuân, Hội Lạp, Hội mùa Thu.

Hội làng Thanh Thủy Thượng lấy Miếu làng và Đình làng làm cơ sở để tổ chức:


MIẾU LÀNG

Miếu làng Thanh Thủy Thượng được xây dựng trên khu đất nằm giữa đường Quốc lộ và đương sắt, bên cạnh trụ sở Ủy ban. Miếu làng để thờ Thành Hoàng, đó là vị công thần được vua sắc phong nhằm đại diện cho thiên tử để bảo hộ cộng đồng dân cư, cũng để xác lập quyền lực của triều đình phong kiến đối với làng xã. Vị Thành Hoàng được các triều nhà Nguyễn sắc phong để thờ tại Miếu làng TTT là Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ, Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục, Tùng Giang Văn Trung Tôn thần.


Đông Hải Đại Vương (chữ Hán: 東海大王) hay Nguyễn Phục (阮復) hay còn gọi Phục Công (復公) hiệu là Tùng Giang tiên sinh (松江先生) là một vị quan thời Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông là người Hải Dương.
Nguyễn Phục người xã Tùng Giang, huyện Gia Phước, tỉnh Thanh Hóa. Ông đỗ tiến sĩ năm 1453, được vua Lê Nhân Tông cử làm thầy dạy học cho hoàng tử Tư Thành – sau này là vua Lê Thánh Tông. Ông có tài chính trị, ngoại giao được nhà Lê cử đi sứ Trung Quốc ba lần. Nguyễn Phục được vua Lê Thánh Tông tin cẩn giao chức Đô chỉ huy sứ Đội quân Cẩm Y Vệ để bảo vệ nhà vua và kinh thành. Khi vua dẫn binh đi đánh Chiêm Thành, Nguyễn Phục được phong làm Phi Vận tướng quân có nhiệm vụ vận chuyển quân lương . Khi đoàn thuyền lương đến cửa biển Tư Dung- Thanh Hóa, thì gặp bão. Ông chấp nhận lãnh trách nhiệm về mình chứ không để binh lính và lương thực phải chìm xuống biển, ông cho neo thuyền lại, đợi khi bão hết mới tiếp tục lên đường. Thuyền đến trễ, quân lính bị đói, lại thêm nịnh thần gièm pha, ông bị xử tội chết chém. Bấy giờ là  ngày hai mươi tháng  mười năm Hồng Đức thứ nhất Canh Dần 1470..
Ngài được mai táng tại xã Bạch Đường, huyện Nam Đường ( Nay là xã Quảng Tường, Sầm Sơn Thanh Hóa/
Sau đó vua tĩnh ngộ, phục hồi chức tước và sắc phong Tùng Giang Văn Trung Tôn thần, gia phong Phúc thần. Vua cho lập đền thờ và sắc phong làm Thành Hoàng ở 72 nơi từ Đà Nẵng trở ra Bắc trong đó có Miếu làng Thanh Thủy Thượng. Triều đình nhà Nguyễn nhiều lần sắc phong, gia tặng đến Trác Vĩ Thượng đẳng thần
.

Ngoài ra, làng còn Miếu Thần hoàng bổn cảnh thờ vị thần bảo hộ cộng đồng làng xã theo tín ngưỡng dân gian được xây dựng trong khuôn viên đình làng, phía trước đền Văn Thánh.
 
ĐÌNH LÀNG THANH THỦY THƯỢNG

Lúc đầu, khi từ Thanh Tuyền mới lên đình làng TTT được xây dựng ở khu vườn ông Phùng Ổi (nay ở Tổ 8 ). Vì thế bến nước ở trước đình làng được gọi là bến Đình. Trước mặt đình làng có Cồn ông Vui , gò đất cao này được dân làng tổ chức “ Lễ xuống đồng ” hàng năm sau Tết Nguyên đán.

Sau khi dân cư phát triển xuống giáp làng Dạ Lê, đình làng được di chuyển về trung tâm làng ở vị trí hiện nay. Đình làng mới là một cấu trúc nhà rường gồm ba gian hai chái. Điểm đặc biệt là đình làng TTT không thờ Thành hoàng bổn thổ như các nơi khác. Đình làng Thanh Thủy Thượng thờ Mười ba vị Khai canh của làng. Thành hoàng bổn thổ được thờ tại Miếu làng. Chỉ khi đến ngày Thu tế dân làng mới cung nghinh linh vị của Thành Hoàng về đặt trang trọng trên hương án ở đình làng. Đình làng Thanh Thủy Thượng cũ bị tiêu rụi trong kháng chiến chống Pháp.

Sau khi hòa bình lập lại , năm 1957 đình làng Thanh Thủy thượng được xây dựng lại như ngày hôm nay. Đình có ba gian, hai chái. Nội điện có năm án sơn son thiếp vàng được sắp xếp để thờ 13 vị Khai canh. Hai bên án giữa có Lỗ bộ đứng hầu.

Cho đến ngày hôm nay, đình làng Thanh Thủy Thượng còn lưu giữ 21 bản sắc phong của các triều nhà Nguyễn từ Minh Mạng đến Khải Định , gồm 3 nhóm :

- Nhóm 1 : Sắc phong Phúc thần: Thành hoàng cho Phi Vận tướng quân , Thần núi Tản Viên và Hồng Quận phu nhân.

- Nhóm 2 : Sắc phong các thần theo tín ngưỡng dân gian : Thần Ngũ hành, Thiên Y A Na, Quan Thánh Đế Quân.

- Nhóm 3 : Sắc phong thần Khai canh : Lê Đô, Phạm. Sắc phong thần của các vị Khai canh Lê Diên, Ngô, Nguyễn Diên, Lê Bá Thúc Quý, Lê Viết, Nguyễn Thanh, Phùng, Phan, Đặng, Trần, Hồ đã được rước về các nhà thờ Họ.

Tại đình làng TTT còn lưu giữ hai văn bản gốc được viết bằng chữ Hán Nôm :  Bản Văn tế của làng và Châu bộ ruộng đất do triều Thành Thái cấp.

Đình làng TTT là một tổng thể bao gồm Đình-Đền-Chùa : Đình để thờ các vị Khai canh. Đền Văn Thánh để thờ Khổng Phu Tử được tôn vinh là “ Vạn thế Sư biểu ”. Chùa Thanh Quang để thờ Đức Phật. Cấu trúc này thể hiện tinh thần Tam giáo đồng nguyên, được thịnh hành rộng rãi dưới các triều nhà Nguyễn.

Trước mặt  Đình- Đền – Chùa là hệ thống cổng Tam quan và hàng trụ biểu tương ứng với cấu trúc bên trong. Phía trước đình làng là hồ Vọng nguyệt. Đầu mùa hạ hoa sen nở, cũng là lúc khí trời nóng bức, dân làng thường ra hồ hóng mát. Các cháu học sinh được nghỉ hè, thường ra ngồi dưới các gốc cây quanh bờ hồ để câu cá. Được tắm mình trong khí trời mát dịu từ biển thổi vào, hòa lẫn với hương sen thơm dịu làm cho lòng người càng gắn bó với thiên nhiên, với hồ sen bến nước làng mình.

?????????????



Cụm Di tích Lịch sử - Văn hóa: Đình chùa Thủy Dương gồm có đình làng Thanh Thủy Thượng và chùa Thanh Quang. Đây là một công trình độc đáo được xây dựng vào thời Cảnh Hưng năm thứ 37 (1776).

Đình - chùa Thủy Dương vẫn còn giữ tương đối hoàn chỉnh hệ thống kiến trúc độc đáo, mang phong cách kiến trúc nhà rường Huế. Đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, nhiều sắc phong, gia phả giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của làng Thanh Thủy Thượng nói riêng và mảnh đất Thừa Thiên- Huế nói chung. Đình chùa làng Thanh Thủy Thượng là nơi thờ Phật và 13 vị Khai canh của làng, nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của dân làng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra nhiều sự kiện các mạng tiêu biểu: Là trụ sở hoạt động của huyện Hương Thủy, nơi tập hợp quần chúng nhân dân kéo về Huế giành chính quyền (tháng 8-1945), nơi tổ chức hội họp, huấn luyện tự vệ, thành lập đội Cứu quốc, chuẩn bị lực lượng, tổ chức tiếp tế hậu cần của huyện Hương Thủy…

Đình chùa Thủy Dương được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia theo quyết định số 05/1999/QĐ/BVHTT ngày 12/01/1999.

Đình làng Thanh Thủy Thượng là một tổng thể cấu trúc mang nét đẹp cổ kính của phương Đông, lại nằm giữa một khung cảnh thiên nhiên hài hòa. Từ lâu, đình làng Thanh Thủy Thượng được ca ngợi là “Thanh Tuyền thắng tích”. Vừa mang nét đẹp kiến trúc văn hóa, lại có những dấu ấn lịch sử giá trị , vì thế Đình làng TTT hội đủ điều kiện để được nhà nước công nhận là Di tích Văn hóa cấp quốc gia.

Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ

  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Đình làng Thanh Thủy Thượng-Nơi tổ chức các lễ hội truyền thống . Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng