Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Vườn hoa làng Thanh Thủy Thượng: văn chương



NHỮNG NHÀ VĂN, NHÀ THƠ

SINH RA TỪ LÀNG THANH THỦY THƯỢNG

Thanh Tuyền cổn cổn thủy văn chương…”

Thanh Tuyền cuồn cuộn nước văn chương, người dân làng Thanh Tuyền ( tên trước của Thanh Thủy Thượng ) vốn có năng khiếu văn chương được người xưa đúc kết, ghi lại tại đình làng. Điều này được thể hiện qua một tài năng độc đáo trên văn đàn Việt Nam từ giữa thế kỷ XX đến nay : nhà thơ Phùng Quán. Năm 2007, Phùng Quán được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng với Trần DầnLê ĐạtHoàng Cầm.


PHÙNG QUÁN

Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932 tại làng Thanh Thủy Thượng, xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy , tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ông sinh ra trong một gia đình trí thức hiếm hoi của làng TTT: có cha là Phùng Hàm, có các chú Phùng Lưu, Phùng Thị..đều là học sinh trường Quốc Học. Từ nhỏ Phùng Quán đã có năng khiếu làm thơ. Người làng TTT kể lại rằng những ngày còn đi học tại trường An Cựu, Phùng Quán đọc thơ rang rảng từ nhà cho đến trường.

Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV.

Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội).

Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955. Về quá trình viết tác phẩm này, trong di cảo hồi ký "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào" do Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007, ông kể nhiều chi tiết rất thú vị về sự ngẫu nhiên và tình cờ đưa ông từ một người lính trở thành một nhà văn và những oan khuất phải gánh chịu nhưng với giọng kể rất hóm hỉnh, không một chút trách móc hay thù hận. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm  Khi phong trào này chấm dứt Phùng Quán bị kỷ luật, mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi. Ông tự bạch: “22 tuổi tôi phải nhấn thân vào một cuộc chiến đấu còn nguy hiểm hơn, là chống tệ quan liêu, ăn cắp, lãng phí của công và thói dối trá đạo đức giả, những hiểm họa đang rình phục tổ quốc và nhân dân tôi…”. Và chỉ hai bài thơ “Chống tham ô lãng phí” và “Lời Mẹ dặn” viết năm 1956, Ông đã phải đánh đổi gần như cả cuộc đời mình với 15 năm lao động cải tạo và 32 năm treo bút.

Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác và câu cá ở Hồ Tây để kiếm sống. Vì thế, bạn bè văn nghệ thường gói gọn cuộc đời ông thời kỳ này bằng sáu chữ: "cá trộm, rượu chịu, văn chui".

Năm 1988 ông được khôi phục hội tịch, hội viên Hội nhà văn Việt Nam

Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe..(1).

Sau gần 35 năm xa quê hương (sau khi phục hồi hội viên Hội nhà văn Việt Nam), Phùng Quán mới trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình - làng Thanh Thủy Thượng, xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngày ra đi tóc còn để chỏm, ngày về tóc đã hoa râm. Ông trở về quê hương gặp dịp 27.7 Chính quyền địa phương tổ chức kỷ niệm ngày Thương Binh Liệt Sĩ, ông được mời tham dự. Nhận được món quà từ chính quyền  trao tặng, ông đã quỳ xuống trước đông đảo bà con đọc to bài thơ “Tạ”: “Con tạ/đất làng quê/Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất/Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt/Không lá cây nào không mặn chát gian lao/Con tạ/manh chiếu rách con nằm/Con tạ/Câu ca dao mẹ hát/Tất cả thành giọt sữa ngọt/Nuôi con ngày trứng nước/Để hôm nay con được sống/được chiến đấu hết mình/Vì tự do của Tổ quốc/Được hát hết mình cho đất nước thành thơ…”. Cả hội trường rưng rưng xúc động theo từng lời thơ của ông.


Có lẽ, đau đáu nỗi thương nhớ quê hương, nên sinh thời nhà thơ Phùng Quán đã ước nguyện sau khi mất là được trở về với quê hương. “Tôi sẽ đào nấm huyệt/Cạnh mồ cha mẹ tôi”…”. Ông mất ngày 22/1/1995 tại Hà Nội, nhưng mãi đến đầu năm 2011, ước nguyện của ông mới trở thành hiện thực. Kinh phí thực hiện di nguyện của nhà thơ Phùng Quán, được nhà thơ Ngô Minh phát động quyên góp trên Blog cá nhân của mình. Và không ai ngờ được, sự mến mộ của mọi người đối với Phùng Quán lại lớn đến như vậy. Từ những văn nghệ sỹ, trí thức, học sinh, sinh viên, đến những người nông dân, anh xe ôm, xích lô, Việt kiều… đã góp cát, đá xây dựng mộ nhà thơ.

Tấm lòng của bạn bè và độc giả góp vào, không chỉ xây dựng hoàn chỉnh khang trang phần mộ vợ chồng nhà thơ, mà còn dư một khoản lớn. Cộng thêm số tiền chị Vũ Bội Trâm (vợ nhà thơ) để lại, thể theo nguyện vọng của dòng họ Phùng, bạn độc yêu mến Phùng Quán và chính quyền địa phương, số tiền này được lập “Quỹ khuyến học, khuyến tài” mang tên Phùng Quán, để phát thưởng cho học sinh giỏi hàng năm của xã Thủy Dương quê hương nhà thơ và khuyến khích các nhà văn, nhà thơ ở Thừa Thiên - Huế có những tác phẩm văn học đặc sắc.

Đầu năm học 2011, Quỹ Phùng Quán đã tổ chức phát thưởng lần đầu tiên cho 41 em học sinh xuất sắc của các trường tiểu học, THCS Thủy Dương. Tặng thưởng gồm một giấy chứng nhận Quỹ Phùng Quán được in rất đẹp, có ảnh nhà thơ và là 500.000 đồng. Ngoài các em học sinh xuất sắc nhất của các trường ở Thủy Dương, Quỹ Phùng Quán còn tặng thưởng cho 3 em học sinh họ Phùng xuất sắc nhất do dòng tộc Phùng ở Thủy Dương xét chọn.

Đầu năm 2012, Quỹ Phùng Quán cũng đã được trao cho hai tác phẩm văn học đó là tiểu thuyết “Vùng sâu” của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, và tiểu thuyết “Xa Hà Nội” của Nhà Văn Nhất Lâm, giá trị mỗi giải thưởng là 2 triệu đồng. Điều thú vị là lễ trao giải khuyến tài văn học Phùng Quán được Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế tổ chức ngay tại khu lăng mộ của nhà thơ Phùng Quán.

Từ cuộc sống rượu chịu, văn chui “Đắng đến tận cùng nỗi đắng thế gian”, Phùng Quán đã trở về quê hương cùng gia tài đồ sộ là hàng chục tác phẩm văn chương thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước và tấm lòng ngưỡng mộ của hàng triệu độc giả trong và ngoài nước.

Quỹ khuyến học Phùng Quán tuy không lớn, nhưng là tấm lòng, là niềm tri ân của độc giả tôn vinh tài năng, nhân cách Nhà thơ “Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác”. Đây có lẽ là trường hợp hy hữu trên văn đàn nước ta từ trước đến nay.

Điều trùng hợp thú vị là sau khi trở về trong lòng đất quê hương, Quỹ khuyến học Phùng Quán ra đời, tên ông cũng được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định đặt tên cho con đường lớn ngay tại phường Thủy Dương, quê hương ông. Con đường mang tên Phùng Quán dài 5,850 km, từ Km 83, Quốc lộ 1A đối diện cổng làng Thanh Thủy Thượng, đi qua lăng mộ Phùng Quán, lên đến đường tránh Huế ở phía Tây. Đi lên nữa là chiến khu Dương Hòa, nơi Phùng Quán đi theo bộ đội Việt Minh từ năm 1946.

Không biết đó là định mệnh, hay là sự tiên tri của nhà thơ, bởi 26 năm trước, trong “Trăng Hoàng Cung” Phùng Quán đã viết “Nhưng cuối cùng/Quê hương nhận ra/Trái - tim Thơ - trong - sạch/Và gương - mặt - Thơ - bi - thiết - của tôi…”.

Ông đã ra đi và trở về trên chính con đường mang tên mình – Phùng Quán.(2)



(1) Tham khảo từ: Bài viết về Phùng Quán của Hoàng Khởi Phong - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(2) Trích dẫn từ Ngô Minh Thuyên - Nhà thơ Phùng Quán - Ra đi và trở về - (VOV online)





















Quê nội Phùng Quán biết mấy là thương






Thủy Dương được hình thành với tên làng Thanh Thủy Thượng vào năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740), do số dân nghèo từ làng Thanh Thủy Chánh (nay thuộc xã Thủy Thanh với di tích Cầu ngói Thanh Toàn) tiến vào núi Sầm sinh sống. Địa hình làng Thanh Thủy Thượng hình một con dơi. Đáng chú ý phía đông với dòng sông Lợi Nông uốn lượn (dân bản địa gọi là Lệ Nông – giọt lệ của nhà nông). Là một nhánh của dòng sông Hương thơ mộng, nó đổ ra phá Tam Giang, chảy qua xã Thủy Dương như một nét vạch tự nhiên của người họa sĩ trên bức vẽ. Dòng Lợi Nông nước mặn tình người tục truyền được vua Gia Long đào với mục đích: hình thành tuyến đường vận chuyển vật liệu để xây lăng cho mình ở núi Sầm. Nguyên bởi núi Sầm có hình thù giống một con voi đang quỳ ngủ – ai làm gì mặc, voi cứ ngủ; vậy xem là đất lành. Nhưng đấy không phải niềm vui của con dân nơi đây. Họ bảo làng có lăng mộ vua, ắt mạt! Chuyện kể: làng Thanh Thủy Thượng đã bí mật thuê thầy địa lý về giả bộ xem đất rồi tung tin, rằng chỗ này không được tốt – voi ngủ, rồi voi sẽ trở dậy phá phách… Tuy nhiên núi Sầm vẫn là chốn “có duyên” với bậc đế vương. Dưới chân núi Sầm có chùa Bà Hoàng, vợ của vua Khải Định, không có con. Khi vua có thêm vợ mới, Bà Hoàng xin được hồi tôn, dựng một ngôi chùa dưới núi ngày đêm niệm Phật ly muộn phiền. Phật dạy tình là dây oan; thử soi vào “nhân duyên trời định” này… Ông nội của P.B.K. xưa thuộc con nhà giàu có bậc nhất trong làng, thường lên phố ngắm hoa thưởng nguyệt. Vận đến: một quận chúa (dòng chính thống của Cường Để) đem lòng quyến luyến”. Bên gái chủ động xuống tận nơi mối lái. Cả làng mừng, và kính nể gia đình chàng thanh niên được làm thông gia với Hoàng tộc. Nhưng ngày cưới về, động phòng chúc hoa, chàng trai mới vỡ: kiệu quan rước về cho mình một quận chúa què!

Theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục: trước năm 1776, làng Thanh Thủy Thượng đã trở thành một đơn vị hành chính dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Thế kỷ XVIII, vùng Thanh Thủy Thượng vẫn còn là rừng núi, nhiều loài thú như vượn, nai, báo, voi trú ngụ. Sang thế kỷ XIX, dân cư của làng quy gọn trong bốn ấp sống hai bên sông Lợi Nông. Làng gần sông, hơn nữa ruộng trũng nên voi trong núi thường kéo nhau ra tắm. Dần dà làng có vinh dự là nơi giữ voi, chăm sóc voi cho vua; tầng lớp chuyên trách gọi là lính Kinh tượng. Trong sổ đinh được bảo lưu tại làng Dã Lê Thượng (xã Thủy Phương) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) thời Tây Sơn có ghi: Dã Lê Thượng và Thanh Thủy Thượng (đều thuộc huyện Hương Thủy) đóng ba mươi xuất binh voi trận (tượng cơ), trong đó Thanh Thủy Thượng có tới mười sáu quản tượng các tượng cơ. Sử cũ thì viết: khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung ngồi trên mình voi trận, áo bào nhuộm thuốc súng tiến vào thành Thăng Long… Các viên quản tượng, võ quan, binh lính của đất Hương Thủy cũng có mặt trong ngày hội ấy.

Song song với dòng Lợi Nông, Thủy Dương có con hói hướng lên núi Sầm rất đẹp. Không có tài liệu xác định rõ song con hói tên Bến Quan được dân ở đây đào trong thời Gia Long, dài chừng ba cây số, nơi rộng nhất trên mười mét. Ngày trước sống dọc con hói chủ yếu địa chủ phú hào. Sự giàu có là điều kiện trực tiếp của vô vàn ngôi nhà rường to đẹp trong làng. Tiếc thay nó đã vào cổ tích từ ngày giặc Pháp đốt làng dồn dân mà cố nhạc sĩ Văn Cao chứng kiến. Nhẩn nha cuốc bộ dọc con hói ta sẽ gặp lại hình dáng quê xưa với cây cao, bến nước, mái đình cong. Đình làng nằm khoảng giữa hói Bến Quan, cắt con hói bằng hồ sen rộng hàng ngàn mét vuông. Trước đình làng có bàu nước sâu bàu Choàng. Loại cá nhiều nhất, béo và ngon nhất ở đây là cá rô đã đi vào câu ca: Gạo de An Cựu, cá rô bàu Choàng. Cánh đồng Thanh Thủy Thượng quanh năm ngập nước, chỉ có vùng An Cựu khô ráo mới trồng được gạo de. Gạo de được coi là cây thần nông chủ yếu dùng tiến cung, dân chẳng mấy ai được ăn. Tôi về đất này nhặt được hai câu đặt sệt tính dân gian “tuyệt bút”: Mẹ già ăn tấm gạo de – Đẻ con tóc quắn đi ve cả làng… Theo bài văn tế làng từ cuối triều Nguyễn: làng Thanh Thủy Thượng có 13 vị khai canh, là thủy tổ của các dòng họ: Lê Diên, Ngô, Nguyễn Diên, Lê Bá, Lê Viết, Lê Đô, Nguyễn Thanh, Phùng, Phan, Đặng, Trần, Phạm, Hồ (họ Lê Đô đến đời thứ 5 thì tuyệt tự, việc tế kị được làng ấn định vào tháng 7 âm lịch hàng năm để ghi ơn). Đa số các vị gốc ở Thanh Hóa theo Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào khai khẩn Đàng Trong từ thế kỷ XVI. Ngoài ra còn một số họ khác không được thờ tự trong đình, đều nhập cư sau này.

Đình làng Thanh Thủy Thượng, lần tới thăm tôi có gặp một anh bạn gần đó. Anh họ Ngô, tên Bê, từng là cán bộ văn hóa xã rồi huyện. Tôi được anh tặng lại bức ảnh Phùng Quán chụp trước đình làng. Mà chẳng phải riêng nhà anh là Phùng Quán thường lui tới. Trừ khoảng thời gian ở tại làng viết Tuổi thơ dữ dội, mỗi lần về thăm quê nội Thủy Dương, Phùng Quán đều ghé vào nhà này nhà nọ thân tình như Hemingway sống tại làng chài Ông già và biển cả.

Phùng Quán mồ coi cha từ năm lên hai. Mẹ là một thiếu phụ thuộc hoàng tộc. Bà ở vậy nuôi con cho đến lúc mất ở Huế. Mới bằng “hột mít”, Bê (tên hồi nhỏ của Phùng Quán) đã giúp mẹ chăn trâu, cắt cỏ ở làng, người đen nhẻm quanh năm nồng mùi bùn đất. Tuổi thơ Phùng Quán dữ dội nhưng được ẵm trong tầng không gian mượt mà cổ tích, khiến thằng Bê chăn bò vượt qua “lời nguyền số phận” theo như lời phán của ông thầy bói trong làng: “Khi lớn lên, thằng này không ăn mày cũng ăn cướp”. Sau này ngồi với bạn bè gợi chuyện ngày cũ, Phùng Quán vin vào hai câu thơ của Êxênhin: Những số phận khác thường, sinh ra đều định trước. Tôi không nhà thơ thì cũng thành trộm cướp. Và chính vùng quê ấy, là điểm nhớ dai dẳng nhất trong chặng đời trầm luân của Phùng Quán, mặc dầu đấy là quãng thời gian ông chả mấy học hành.

Ai cũng biết đến một Phùng Quán câu trộm cá Hồ Tây; “bỏ nghề”, ông lại làm cái chòi vừa để ngắm sóng vừa hưởng thú tao nhã của cụ Tam Nguyên Yên Đổ gửi lại (trầm mình bách kế bất như nhàn). Cái thú đó, thật ra tiềm ẩn trong “thằng Bê” thủa nào. Anh Lê Viết Lãm, cựu học sinh trường làng Thanh Thủy Thượng nhớ lại: “Những kỷ niệm ở trường làng thật đẹp. Thủa ấu thời, vào khoảng bốn, năm tuổi tôi đã đi học vỡ lòng a, b, c tại đình làng được thầy giáo Lưu dạy. Lúc đó, bạn bè của tôi chỉ vỏn vẹn ba người là anh Bê, chị Lượng và chị Sen – ba người này học lớp cao hơn tôi; tôi được gần gũi với anh Bê nhiều hơn hết vì anh thường hay ra câu cá ở hồ sen trước đình làng. Những buổi trưa hè, tôi cũng thường theo anh ra bờ hồ, ngồi dưới gốc cây cổ thụ hóng mát. Mùa này sen nở rộ khắp mặt hồ, mùi thơm dìu dịu thoảng bay trong gió…”.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ lúc Bê mới mười ba tuổi. Giã từ những đóa sen thanh khiết, cậu bé Phùng Quán hòa mình vào dòng sông cách mạng hùng vĩ, làm một chiến sĩ của trung đoàn Trần Cao Vân. Những tháng ngày oanh liệt được ông khắc họa bằng nước mắt trong hơn một ngàn trang sách quý. Nhưng can qua vô thường, sự chân thật như lưỡi dao vạch dòng thơ trên đá đã đẩy ông tới tận cùng sự cô đơn. Im lặng. Nỗi im lặng kiêu dũng “như con cò vàng” lặn lội bên sông… Mãi cho tới năm 1984, “rời bỏ vùng núi Thái Nguyên, con suối Linh Nham, cái lán xiêu vẹo mái lợp tranh lá mía dột nát bốn bề” ông trở về quê nội. Trước mắt ông là màu xanh ngọc của những thửa vườn lá non chen với màu xanh mượt mà của cánh đồng lúa đang độ con gái. Đằng đông sau rặng tre bên kia đồng, vài cánh buồm nâu thoắt ẩn thoắt hiện nhắc ông nhớ tới dòng Lệ Nông bi lụy. Những mái nhà gianh đứt rồi lại nối bởi các ngõ ngang dọc dẫn vào xóm.

Ngày ra trận

Tóc tôi còn để chỏm

Nay trở về

Đầu đã hoa râm…

Xóm làng ngậm ngùi đón đứa con bao năm xa quê. Đêm ấy, Phùng Quán quỳ lạy quê hương, lạy bà con lối xóm. Rồi ông Tạ:

Con tạ đất làng quê

Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất

Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt

Không lá cây nào không mặn chát gian lao

Nhiều người đã chép bài thơ Tạ ông sáng tác ngay chính trên đất làng quê nội sau hơn ba mươi năm dằng dặc xa cách “trăng mới tỏ Hoàng thành”. Ngay những đứa trẻ được chứng kiến ông “quỳ rạp trán” trước mọi người, mai gặp ở đâu cũng chỉ tay gọi “ông Tạ”. Phùng Quán mãn nguyện, lại nấn ná ở lại thăm thú xóm giềng thân thuộc. Tới nay, tại đôi quán cà phê sáng bình dân dọc quốc lộ thuộc địa phận phường Thủy Dương người ta còn nhắc mãi câu chuyện Phùng Quán tới nhà Ngô Hữu Giã. Hữu Giã là một ông giáo làm thơ trong làng. Hữu Giã sống trong đói rách, quanh năm ăn xúp nhưng không hề nợ ai một đồng. Lần Phùng Quán vào chơi, thức ăn chỉ có khế chấm ruốc và rau sam luộc cộng thêm xị rượu. Phùng Quán khen mãi bữa ăn ngon, cùng ngâm thơ. Quà tặng chia tay là quả bí to nhất trong vườn Hữu Giã, mà Phùng Quán đã phải rất nặng nhọc trên chuyến hành trình dọc chiều đất nước. Chẳng rõ món quà đó có liên quan gì tới Quả bí xanh trong tập “Trăng hoàng cung” hay không? Chỉ biết Phùng Quán quý nó hơn cả quả dưa hấu ông từng cúi lạy!

Mùa đông năm 1994, ông mặc chiếc áo trắng chi chít chữ ký của bạn bè từ Sài Gòn ghé thăm Thanh Thủy Thượng lần chót. Đúng vậy, Phùng Quán ra Hà Nội và không còn gượng dậy được nữa! Thật đáng tri ân, ông đã được bạn bè đưa về ngôi làng Thanh Thủy Thượng nên thơ; ở đấy, tin chắc nhà thơ sẽ yên bình mơ về Tuổi thơ dữ dội.

Tôi biết đến ông chủ tịch Thủy Dương là ngày vào trình tờ giấy giới thiệu năm 2002. Khuôn mặt ông tròn, nụ cười bí ẩn. Hết nhìn tờ giấy có con dấu, ông lại nhìn mặt tôi vẻ ngờ vực. Nhưng rồi cũng ổn, tôi được chỉ định xuống tầng dưới thuộc Ban Văn hóa. Ở đấy tôi thấy khá nhiều ảnh các vị lãnh đạo Đảng chụp trong những lần về thăm xã như Lê Đức Anh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười… Âu cũng là sự “thơm lây” từ tấm bằng Anh hùng Lao động Nhà nước tặng Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Dương thời bao cấp. Với hơn bảy trăm mẫu ruộng, Thủy Dương luôn đạt năng suất tuyệt đối cho giới truyền thông ngắm đến. Được biết chủ nhiệm Hợp tác xã ngày đó là ông Phanh (tên cứ như người Liên Xô thời Đất vỡ hoang). Đồng chí Lê Duẩn lần đến thăm đã ghi vào sổ lưu niệm: “Tôi khen chú giỏi nhưng nhờ dân cũng giỏi”. Văn phòng Hợp tác xã giờ đã được xây lại hai tầng to rộng. Một lần tới xin vài số liệu, thấy khó khăn và tôi đã bỏ về tay trắng. Chẳng bù cho một nhà văn tên tuổi từng được Hợp tác xã nuôi thời gian khá dài để mong viết được “cái gì đó” tô điểm cho sự làm ăn khấm khá. “Bỗng nhiên tôi cụt hứng” – đầu đề một bài viết được đăng ở tạp chí uy tín, làm người làng người xã ai từng đọc đều cười chảy nước mắt. Chuyện: có viên chức trên tỉnh xuống thăm Hợp tác xã lại không được đón tiếp như bao người khác trong Bắc ngoài Nam. Ông lạc loài giữa đón rước và tiệc tùng, bởi ai bảo cán bộ quyền cao chức trọng mà cưỡi chiếc xe đạp cà tàng!

Thủy Dương chừ khác hẳn chuyện trầu cau. Khoảng giữa thế kỷ XVI, sử mô tả: Trên con đường giao thông chính chạy dọc Thuận Hóa đến tận đèo Hải Vân chỉ có bốn cái quán, cả xứ có ba chợ. Thiệt chẳng thể nào sánh được một góc nhỏ của Thủy Dương hôm nay. Khi mà bất động sản đang được chia xẻ đổi đô la. Khi mà đâu đó thường dân đã rục rịch những ngôi nhà đua ganh với đại quan. Và đâu đó đã hình thành nên những cụm dân cư chả thiếu thứ gì. Khu đô thị mới đang dần lộ hình hài để xứng tầm với một góc riêng của Huế. Chỉ sự học thì không nhất thiết phải cần đến những điều kiện thành phố có.

Làng Thanh Thủy Thượng, giáo dục được đánh dấu mốc vào năm 1886, khi đoạn quốc lộ từ Huế vào đèo Hải Vân hoàn thành. Con đường mới, rộng rãi băng qua làng nối liền với kinh đô Huế, đã làm cho việc giao lưu văn hóa của làng được mở mang. Nhận thức đúng thời cuộc, làng đã cho di dời chợ Mai ở bến Nhất Đập lên sát quốc lộ, đổi chợ cũ lấy đám đất hiện nay là trường mẫu giáo Thủy Dương để xây nhà Văn Thánh, vừa làm nơi thờ đức Khổng Tử vừa làm Hương trường dạy chữ cho con em trong làng. Ngày ấy toàn tỉnh có bốn trường trung học: bờ Nam sông Hương có trường Quốc Học, Đồng Khánh (dành cho nữ) và Nguyễn Tri Phương; bờ bên kia có trường Hàm Nghi. Trường tiểu học Thanh Thủy Thượng có tên chính thức là vào khoảng sau năm 1954. Ngôi trường gồm ba phòng học lợp tranh, dựng trên mảnh đất bên trái dốc mấp mô sỏi đá dẫn về phía đình làng… Tôi từng ghé vào lớp học dành cho con em trong xã – là học sinh xuất sắc của huyện, tuần ba buổi được Ủy ban tài trợ. Cùng với đầu năm 2011, quỹ Nhà thơ Phùng Quán được lập… Hình thái mới mẻ và đầy trách nhiệm này của xã được những người con xa quê, các cựu học sinh trường làng hướng về như đã hướng về tiên tổ. Trong Hội Cựu học sinh Thanh Thủy Thượng, có một người khiến tôi nhớ mãi, bởi còn lưu hai câu thơ của anh tặng quê nhà:

Bọt bèo con nước sâu nông

Rong rêu trăm hói tìm sông mà về.

Nhụy Nguyên Trích dẫn từ: http://WWW.vanchuongviet.org/index.
 Bản mới viết lại: https://nhuynguyenblog.wordpress.com/2017/11/13/que-noi-phung-quan-biet-may-la-thuong/



Tác phẩm



-Vượt Côn Đảo, Tiểu thuyết, 1955 - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007

-Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, Thơ, 1955 - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007

- Tuổi thơ dữ dội, Tiểu thuyết, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1987 - Giải A văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, 1988. Năm 1990 được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn dựng thành phim, Giải thưởng Bộ Quốc phòng 2000, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007

-Thơ Phùng Quán, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995

-Trăng hoàng cung, Tiểu thuyết thơ, Nxb Thanh Văn, USA 1993. Năm 2007, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái bảnTrăng hoàng cung & Phùng Quán viết Trăng hoàng cung (tiểu thuyết tình 13 chương của Phùng Quán & Hồi ức của nhà văn Hà Khánh Linh) kể về những câu chuyện xung quanh thi phẩm này.

-Phùng Quán, Thơ, Nxb Văn học, Hà Nội, 2003

-Ba phút sự thật, Ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tái bản bổ sung 2009

-Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào?, Hồi ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

-Phùng Quán còn đây, Di cảo của Phùng Quán và Hồi ức của bạn bè, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007.




NGÔ VĂN HẢI

- Bút hiệu: Tiến Thảo

- Sinh năm 1945

- Quê quán : Làng Thanh Thủy Thượng, Thủy Dương, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

- Có thơ, tùy bút, truyện ngắn, nghiên cứu đăng ở nhiều báo và tạp chí.

- Tác phẩm đã xuất bản: Mối tình màu huyết dụ. Nhà xuất bản Trẻ - 2011. Được Tỉnh  Đăk Lăk tặng giải A về văn xuôi năm 2012.


Trên miền đất xưa Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế, nơi sản sinh nhiều câu chuyện lịch sử thật độc đáo, sinh dộng và lôi cuốn. Nhiều tác giả đã “thâm canh” trên miền đất này để sáng tác và qua góc nhìn của mình đã góp phần tái hiện bối cảnh và cuộc đời của những nhân vật lịch sử. Trong số tác giả như thế, Tiến Thảo là một cây bút có tiềm năng và bản lĩnh.

Khởi đầu đăng truyện lịch sử trên tập san Nhớ Huế, Tiến Thảo đã xác lập được vị trí của mình.Tác giả đã chọn thể loại lịch sử để thể hiện tình yêu và lòng tự hào về lịch sử của dân tộc và qua truyện lịch sử có thể gửi gắm nổi nhớ thiết tha về miền đất xưa. Như con tằm nhả tơ, cùng với năm tháng, anh đã lặng lẽ sáng tác 15 truyện lịch sử (hầu hết lấy bối cảnh, không gian, thời gian, nhân vật, cốt truyện của miền đất xưa)…Mỗi câu truyện lịch sử là một cảnh đời có thực (hoặc được sử sách chép lại), có bối cảnh trên một miền không gian hiện thực. Những nhân vật lịch sử trong tác phẩm của của Tiến Thảo thật sống động và đa dạng. Đó là những bậc quân vương, anh hùng, danh tướng, nhà ái quốc…như anh hùng Nguyễn Huệ (Cành đào Nguyễn Huệ), vua Duy Tân (Gió mưa quốc sắc thiên hương), Thượng thư Bộ binh Nguyễn Tri Phương và danh tướng Nguyễn Lâm (Mối tình màu huyết dụ)…Những nhân vật là vương tôn, công nữ, sĩ phu…như Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương (Một thời trăng nước Thuận An), Võ Liêm Sơn (Hương giang-giọt lệ ố khăn hồng), Công nữ Ngọc Tào (Huyền Thoại tím)…Và còn là những người giữ ngựa như Mã Hự (Người giữ ngựa thành Phú Xuân), người thợ chạm Đội Kiến (Nước mắt người thợ chạm), về cuộc nổi loạn Đoàn Trưng - Đoàn Trực (Ngọn lửa làng Chuồn)…

Tái hiện những nhân vật lịch sử, Tiến Thảo đã không tùy tiện hư cấu, làm lệch chân dung và tính cách của nhân vật lịch sử vốn có, cũng không bịa đặt thêm nhiều tình tiết mới để tạo ra những tình huống hấp dẫn (như một số người đã viết truyện lịch sử hiện nay). Qua bút pháp thể hiện sinh động mà chân thật, sáng tạo mà tinh tế, tác giả rất trân trọng những nhân vật lịch sử của đất nước…Qua góc nhìn của một nhà văn hóa, người nghiên cứu lịch sử và là nhà sư phạm, tác giả đã góp phần tôn vinh khí tiết, nhân cách, công trạng và sự hy sinh…của những nhân vật lịch sử Việt Nam.

Tiến Thảo là một cây bút viết truyện lịch sử thật đáng yêu!

Nhà văn Trần Hữu Lục

(Chủ biên tạp chí Nhớ Huế)



Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ (Tổng hợp)

  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Vườn hoa làng Thanh Thủy Thượng: văn chương Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng