NHỮNG NHÀ GIÁO TIÊU BIỂU CỦA LÀNG TTT
Địa cuộc làng Thanh Thủy Thượng là đất phát Văn. Ngoài năng khiếu về văn chương, làng có một đội ngũ thầy cô giáo đông đảo dạy đủ cấp học từ Đại học cho đén Mẫu giáo. Đến năm 2014, ngoài những thầy cô giáo đang còn đứng trên bục giảng, số thầy cô giáo về hưu đã có trên 40 người. Trong số những thầy giáo có tuổi đời, tuổi nghề nhiều năm như: Ngô Viết Diễn, Lê Bá Lại, Phạm Hòa, Phùng Hữu Huy… người được xã hội tôn vinh Nhà Giáo Ưu Tú: thầy Ngô Viết Diễn.
NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGÔ VIẾT DIỄN
Võ Thị Quỳnh.
Thầy Ngô Viết Diễn là một người bình dị, đôn hậu và thủy chung son sắt với nghề dạy học: Với tâm niệm dù giáo dục theo kiểu nào, theo hướng nào và cấp học nào đi nữa thì đạo đức và tri thức vẫn là hai nội dung cơ bản nhất của quá trình đào tạo.
Vì thế dẫu bây giờ không trực tiếp đứng lớp song niềm trăn trở của thầy vẫn ưu ái hướng về các bạn trẻ. Nhìn các em thi thoảng dàn hàng ngang đi đường không giữ phép tắc giao thông, thầy có chạnh lòng. Nhìn vào chương trình giáo dục hiện hành, thầy mong ước làm sao để tổ chức giảng dạy, đặc biệt tổ chức thi cử sao cho học sinh học nhẹ nhàng, cân đối mà có hiệu quả, có thực chất. làm sao để học sinh không phải hy sinh nhiều điều cần học để chạy theo môn thi, lãng phí công sức đáng lẽ cần dành cho Đại học. Phải làm sao cho nền giáo dục của chúng ta không chỉ phù hợp thực tiễn Việt Nam mà cần vươn lên đạt chuẩn tri thức quốc tế…Hoặc đứng trước hiện thực khá bế tắc của những cô tú, cậu tú ba bốn năm liền thi không đỗ vào Đại học, cũng như bao đồng nghiệp khác, thầy rất băn khoăn.
Trăn trở thì cứ trăn trở, lo âu thì cứ lo âu. Song sự kiên trì bền chí để trước sau như một quyết tâm đóng góp cho sự nghiệp trồng người Việt của thầy thật là đáng kính nể.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 1961, chàng trai 24 tuổi hăm hở lên đường dạy học.Thầy đã từng giảng dạy ở các trường PTTH Trần Quốc Toản (Quảng Ngãi), Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) nhưng gắn bó lâu nhất vẫn là trường Quốc Học Huế (từ 1964 cho đến lúc về hưu-1998). Đầu năm 1970 thầy bắt đầu viết sách giáo khoa: Hình học và hình học giải tích lớp 12, Các phép biến đổi điểm…Thập niên cuối thế kỷ XX và năm đầu của thế kỷ XXI thầy đã lần lượt cho xuất bản các tập sách (xem phần tiểu sử ở Vườn hoa Gia Đình Hiếu học).
Là một tổ trưởng chuyên môn kỳ cựu (1975-1998), là thành viên Hội đồng bộ môn Toán Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Trị Thiên (xưa), Thừa Thiên-Huế (nay), thầy có nhiều đóng góp cho phong trào thi đua dạy tốt học tốt của trường PTTH Quốc học và cho sự nghiệp giáo dục toàn diện của tỉnh nhà. Từ 1975- 1979 đạt Giáo viên dạy giỏi, 1979 – 1984 đạt Chiến sĩ thi đua, 1995 được tặng “Huy chương vì sự nghiệp giáo dục” và 1997 được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý: “Nhà giáo Ưu tú”.
Sinh năm 1937, là người con của Huế, là cựu học sinh Quốc học Huế từ những năm 1951 – 1957, và trở lại giảng dạy tại trường Quốc học, sự chăm chút lo toan dạy dỗ cho các con yêu quý – để các con không chỉ làm nên một gia đình: cả 5 con đều là học sinh giỏi Quốc học và cả 5 con đều có thể đem tài sức cống hiến cho đất nước, trường Quốc học thật tự hào về gia đình thầy. Con trai đầu của thầy là em Ngô Phú Thanh, sinh 1965 tại Huế, cựu học sinh Quốc học 1980-1982, năm học lớp11 chuyên Toán Quốc học tham dự kỳ thi Toán Quốc tế tại Bundapest, hungari năm 1982, đạt giải nhì (Huy chương bạc) được đặc cách tốt nghiệp THPT năm 1982 và du học tại Minsk, Liên Xô, cử nhân Toán tại Đại học Mínsk, tiến sĩ Toán Lý tại Liên Xô năm 1993, công tác tại Minsk từ 1993 đến 2001, công tác tại Mỹ từ 2001, bằng CISP năm 2003 tại Mỹ, làm việc tại Công ty Microsoft Gold Partner và đang dạy một số giờ tại Đại học tư ITT Technical Institute. VA. Người con thứ hai của thầy là Ngô Viết Quỳnh Trâm, sinh ngày 1-1-1967 tại Huế, cựu học sinh Quốc học khóa 1982-1984, Bác sĩ Thạc sĩ Y Khoa, hiện đang giảng dạy tại trường Y Dược Huế. Người con thứ ba là Ngô Viết Hoàng Phong sinh ngày 17-5-1968 tại Huế, cựu học sinh Quốc học khóa 1983-1986, Thủ khoa kỳ thi tuyển sinh Đại học Bách khoa Đà Nẵng, du học tại Kiev, Ukraina từ 1987, Kỹ sư Thạc sĩ khoa Điện máy, hiện công tác tại công ty PME ở thành phố Hồ Chí Minh. Người con thứ tư là Ngô Viết Long, sinh ngày 24-9-1971 tại Huế, cựu học sinh Quốc học khóa 1986-1989, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Kỹ sư Cơ điện lạnh, hiện làm việc tại công ty PME ở thành phố Hồ Chí Minh. Người con thứ năm là Ngô Viết Quỳnh Dung, sinh ngày 10-5-1976 tại Huế,Thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THCS tại Huế năm 1991, cựu học sinh chuyên Toán Quốc học khóa 1991-1994, du học Nhật tại Đại học Shizuoka, Thạc sĩ Kinh tế, hiện đang công tác tại Nhật.
Từ quê hương, gia đình, từ bằng hữu, đồng nghiệp, từ học sinh yêu mến- đó là nguồn cảm hứng cho tâm hồn toán học đến với thơ và để lại cho vườn thơ một số bài thơ xinh xắn, đáng yêu, Gởi em gái đi xa (trích trong tập Khải Định- mái trường xưa 1957-2007 trang 225) không phải Đường thi nhưng đã mời gọi bao cựu học sinh Quốc học họa lại (Nhớ người em gái Cố đô- Đinh Xuân Dũng; Người ơi người hãy về chơi- Nguyễn Duy Tịnh…).
Em hãy về thăm Huế một lần,
Nhìn sông ngắm núi, dạo kinh thành
Nhìn dòng nước chảy thơm hoa cỏ
Nhìn núi trăng lên mát gió ngàn.
Em đi xa Huế đã từ lâu,
Để lại thành xưa vạn nét sầu
Để lại mình anh ngàn thương nhớ,
Để nước sông xanh nhuốm bạc màu.
Em đi ngày ấy mái tóc thề
Ngang vai buông xõa gió mân mê
Mắt mùa thu ướt buồn xa vắng
Mê mẫn lòng anh chẵng muốn về.
Đường đến nhà em cây vẫn xanh
Vẫn giàn hoa giấy phủ chung quanh
Mà người năm ấy nay xa vắng
Để lại mây chiều với nắng hanh.
Huế mình mưa nắng vẫn hai mùa,
Chừ đây có nắng lại vừa mưa
Có dòng sông chảy hai màu nước
Huế đợi em về Huế giữa thu.
Với thầy Ngô Viết Diễn, kỷ niệm khó quên đó là lúc có một bài báo học sinh tự bộc bạch chân thành rằng: “Tôi muốn bật lên một tiếng gjoi là ‘Ba” khi thầy vừa bước vào lớp” Và hạnh phúc lớn lao đó là khi vui khi buồn, chung quanh có nhiều thế hệ học sinh gần gũi, lui tới. Thầy đã thường nói với bạn bè rằng: “ Nước Pháp có một học trò Carnot, nhưng chúng ta có rất nhiều học trò Carnot”.
V.T.Q
Dẫn lại từ ”Quốc Học Huế xưa và nay- Tập1&2”
Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ
0 Comments:
Post a Comment