MỘT LƯƠNG Y THỜI NAY Ở ĐẤT CỐ ĐÔ HUẾ
Cuộc gặp gỡ vị lương y này, gần đây, có phần ngẫu nhiên. ấy là, trước chuyến lữ hành phương nam, tôi tình cờ thấy trên báo e-CHÍP số 6 bốn bức chân dung chạy suốt chiều ngang tờ bìa. Đọc thêm phía trong, tôi chợt nhận ra một trong "bốn đại phu"" đó là một người mà tôi đã gặp mười lăm năm trước, anh Lê Quý Ngưu. Một tờ báo mới, "chíp", trẻ trung, "thời trang" về công nghệ thông tin lại tâm đắc với một thầy thuốc đông y ở tận cố đô Huế! Tôi nảy ý định tìm gặp lại người quen cũ.
Bay tới Huế, việc đầu tiên tôi tìm đến nhà anh. Từ thành nội, qua cầu Tràng Tiền và cầu An Cựu, rẽ trái, men theo đường Hải Triều, tôi đến số nhà 44. Đó là biệt thự một tầng nằm giữa mảnh vườn nhiều cây rợp bóng mát, nhìn xuống dòng sông nhỏ lặng lẽ chảy qua những địa danh đã trở thành lịch sử như dốc Bến Ngự, nhà thờ Phủ Cam, cung An Định, rồi nối với sông Hương. Không gian rất Huế ấy là chỗ ở và phòng khám chữa bệnh của thầy thuốc Lê Quý Ngưu.
15 năm với 25 cuốn sách
Biết chủ nhân rất bận với người bệnh, sau cuộc gặp thăm ngắn gọn, tôi hẹn cuộc đàm đạo dài vào buổi tối hôm sau. Khi trở lại, món quà duy nhất tôi mang đến anh là ấn phẩm e-chíp số 5. Niềm vui bất ngờ, anh bật cười nhìn mình ngồ ngộ trên trang bìa. Lúc này, trước mắt tôi là nụ cười dịu dàng trên khuôn mặt sáng, thanh thản và rất thư sinh. Chỉ đôi kính trắng là hoà nhập với tuổi trung niên của anh. Chỗ quen biết và tin cậy, nhưng người kể chuyện và trả lời trước mặt tôi vẫn từ tốn và điềm đạm. Tính cách và chất giọng rất Huế.
Anh bắt đầu câu chuyện với những cuốn sách đã xuất bản. Tác giả viết lời đề tặng và trao cho tôi cuốn sách mới xuất bản, đồ sộ, dày đến 1500 trang, bìa cứng màu nâu đỏ. Đó là cuốn "Lịch vạn niên" từ năm 1780 đến năm 2060. Anh cho biết thêm đang hoàn chỉnh cuốn mới hơn "Lịch vạn niên" từ năm 0001 đến năm 2060. Tôi nhận thêm một đĩa CD-ROM, đã phát hành, tên gọi là "Vi tính chữ Hán dùng cho người Việt". Kèm theo đĩa này là một cuốn sách đồ sộ khác, dày 1500 trang nữa. Tôi nhìn vội danh mục các ấn phẩm mang tên anh và nhẩm đếm. Thật ngạc nhiên, có đến hơn 25 cuốn của tác giả Lê Quý Ngưu, phần lớn do một mình anh biên soạn. Đó là những sách tham khảo về các phương pháp chữa bệnh đông y (vị thuốc và huyệt châm cứu) và ứng dụng CNTT trong y học cổ tryền. Cuốn đầu tiên ra đời từ năm 1988, đó là "Danh từ huyệt vị châm cứu" do Viện YHDT TP. HCM xuất bản. Cuốn được tái bản nhiều nhất, 5 lần, là "Tự điển huyệt vị châm cứu". Mỗi cuốn sách là thành quả của một quy trình lao động miệt mài: học và đọc, áp dụng và nghiên cứu lâm sàng, cuối cùng là tổng kết và viết sách. Hỏi động cơ nào thúc đẩy anh viết sách, anh trả lời giản đơn: viết sách là phương pháp học sâu hơn cho bản thân, đồng thời thực hiện mong ước truyền nghề nhanh nhất cho những bạn trẻ mới bước vào thế giới đông y. Vài chục đầu sách, ngót mười ngàn trang in, con số hoàn toàn không nhỏ với một cây bút tay trái trong vòng 15 năm! Một sức làm việc đáng khâm phục, một sự đóng góp đáng trân trọng cho nền y học cổ truyền Việt nam.
Chữa bệnh cứu người với phương châm Đắc Lợi
Tôi đưa cuộc đàm đạo trở về với hoạt động nghề nghiệp thực sự của anh. Anh chậm rãi kể: "Là sinh viên đại học nông nghiệp khi Huế được giải phóng, năm 1975. Ngừng học, chuyển qua học đông y trong 3 năm, rồi khám và chữa bệnh liên tục cho tới bây giờ". Hỏi về trường lớp đã qua, anh cho biết: chính thức chỉ dự một khoá giảng về đông y do TW Hội Y học cổ truyền tổ chức ở Hà nội, còn chủ yếu là "tầm sư học đạo" và tích luỹ kinh nghiệm. Khi hỏi sâu vị nào ảnh hưởng lớn đến anh trong nghề nghiệp, anh trả lời: "Thưa là thầy Trần Tiễn Hy".
Vị danh y này, ở Huế và miền Nam trước đây, ai cũng biết. Là bạn học thời trẻ của các giáo sư Tôn Thất Tùng, Trần Thanh Mại... ông nổi tiếng cả ngoài nước và là hội viên hội châm cứu quốc tế. Một trong số ít người viết sách châm cứu của Việt nam trước đây, ông được nhiều nhà nghiên cứu Pháp mời tham vấn và hiệu đính sách về y học phương đông. Và khi anh học trò cưng đã chuyển thành con rể quý, đương nhiên sự truyền thụ nghề nghiệp ắt trở nên giản đơn. Quả đây là điểm tựa ban đầu quý giá để Lê Quý Ngưu sớm bật lên trong nghề nghiệp. Không dừng lại ở vốn liếng kế thừa, anh luôn tiếp cận những tri thức và kỹ thuật mới với những sáng tạo riêng.
Anh dày công tìm hiểu y lý phương đông để nắm được quy luật khai mở các huyệt vị phụ thuộc vào những thời khắc nhất định. Nhờ đó, với cuốn "Vạn niên lịch", các thầy thuốc sẽ chọn đúng các huyệt mạch để châm cứu đạt hiệu quả cao nhất cho người bệnh. Chính điều này lý giải tại sao anh đi xa vào lĩnh vực mới: sưu tầm, biên soạn, rồi xuất bản lịch vạn niên.
Công việc chữa bệnh đòi hỏi xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuyên ngành y học cổ truyền, từ các vị thuốc đến các huyệt mạch. Cùng một số vị lương y tân tiến, Lê Quý Ngưu đã đi tiên phong trong lĩnh vực hiện đại hoá y học cổ truyền Việt Nam.
Ngoài ra, anh cũng bỏ công nghiên cứu hệ kinh cân (gân), một ngõ ngách khá mới mẻ trong ngành châm cứu nước ta, để rồi áp dụng vào chữa bệnh. Vị lương y này cũng không chậm bước áp dụng phương pháp châm cứu bằng la-de, đặc biệt đã phối hợp với các chuyên gia của Đại học Bách khoa TT.HCM chế tạo và sử dụng máy châm cứu la-de bán dẫn công suất thấp cỡ 10 nanô. Tôi đã vào thăm hai hệ châm cứu la-de đang làm việc trong phòng bệnh của anh.
Tất cả công sức học hỏi, nghiên cứu của anh đều hướng về người bệnh. Lịch tiếp bệnh nhân với nhiều bệnh khác nhau thường khá dài. Cũng như viết sách, anh chữa bệnh bằng thuốc đông y và bằng châm cứu. Nhưng tôi có cảm nhận thế mạnh và sự nổi tiếng của anh nghiêng về mặt châm cứu. Anh nói: có loại bệnh anh chữa lành một trăm phần trăm, nhất là những bệnh về phong thấp, đau nhức, mãn tính, suy nhược, các bệnh trước và sau sinh đẻ... Các loại bệnh về điều chỉnh chức năng chữa được khoảng sáu bảy mươi phần trăm. Bệnh nhân cấp tính, nói chung, đến với bệnh viện. Nhưng anh vẫn nhận một số bệnh khó chữa bằng tây y.
Để hiểu thấu đáo cái gì ẩn náu phía sau chiếc áo choàng trắng và đôi tay ứng nghiệm của người thâỳ thuốc đam mê và tận tuỵ với nghề gần 30 năm qua, tôi bỗng hỏi: phương châm nghề nghiệp của anh là gì?. "Thưa: đức lợi. Tức là tăng đức và lợi phước". Anh trả lời ngắn gọn vậy thôi. Đó có lẽ cũng là phương châm sống của anh. Không hỏi sâu nữa, nhưng tôi hiểu vị lương y trẻ này ảnh hưởng nhiều bởi chữ TÂM, lòng nhân ái Phật giáo. Anh bảo rằng, anh nhận tiền chữa bệnh theo túi tiền của bệnh nhân, tuỳ theo giàu nghèo. Nhuận bút thu được từ lần tái bản thứ 4 cuốn "Tự điển huyệt vị châm cứu", anh tặng cả cho trẻ em nghèo. Và với người nghèo quá hoặc các tu sĩ anh chữa miễn phí.
Tiếng tăm nghề nghiệp và và cái tâm chữa bệnh của anh đã vang xa. Về TP. HCM, tôi có nói chuyện với nhà sưu tầm khảo cứu văn hoá Phú xuân Trần đình Sơn. Ông Sơn không do dự: "ở Huế, Lê Quý Ngưu là một danh y". Cũng không có gì lạ khi một lương y hành nghề tư nhân như anh đã nhận nhiều giấy khen của Trung ương hội y học cổ truyền dân tộc, Tỉnh hội, UBND tỉnh, chính quyền và đoàn thể các cấp. Nhưng sự mến mộ, lòng quý trọng và biết ơn của đông đảo người bệnh mới là niềm hạnh phúc lớn nhất của thầy thuốc Lê Quý Ngưu.
Chiếc máy tính với vị lương y thời nay
Một nét đặc sắc khác làm cho anh như là một hiện tượng lương y thời nay. Đó cũng chính là nguyên do mà các "chíp" của tuần tin e-chíp bôn ba về dòng sông An Cựu tìm anh. Bước vào nghề với tuổi còn trẻ, có vốn văn hoá và ngoại ngữ, có niềm đam mê học hỏi, anh nắm bắt và sử dụng hữu hiệu một công cụ hiện đại - công nghệ thông tin. Việc biên soạn các sách đông y thúc đẩy anh đến với CNTT. Theo kiểu cũ, để chuẩn bị bản gốc, người ta nhập số liệu bằng tiếng Việt, chừa chỗ trống cho chữ Hán để viết tay qua giấy can. Cách này khá vất vả, dễ nhầm lẫn và không đẹp. Anh đi tìm một cách tối ưu hơn. Đối với các thầy thuốc đông y trưởng thành bằng tự học, con đường này thật gian nan, số người đi đến đích chỉ đếm bằng số ngón của một bàn tay. Nghe anh kể con đường chinh phục những công cụ phần mềm như Microsoft Word, Microsoft Excel, cách dùng Windows 3.1 chữ Hán, Windows 95 bản tiếng Hoa của Trung Quốc và của Đài Loan v.v... tôi nhìn vào dáng hình mảnh mai của anh, một chút ái ngại và ngắt lời: "Tự học những thứ đó khó không?". Giọng anh lắng xuống, chân thực:" Khó. Bạc tóc luôn!". Anh từng tìm đến các thầy Tàu Chợ lớn, nhưng họ buộc anh phải học nhiều thứ khác mới chỉ cho phần mềm tra cứu chữ Hán. Sự khổ công đã được đền đáp. Không chỉ nắm được những sản phẩm phần mềm của các thầy Tàu, thầy Nhật và của các tác giả trong nước, anh Ngưu phát triển sáng tạo để có những phần mềm thích hợp cho người Việt trong tra cứu chữ Hán đặc biệt chữ Hán Nôm bằng cách gõ thông dụng dùng VNI và Telex. Thành quả của anh chứa trong cuốn tự điển đồ sộ và đĩa CD-ROM "Vi tính chữ Hán dùng cho người Việt" đã phát hành với phần mềm tra cứu mang tên LQN INPUT METHOD VERSION 2.0. Công cụ này được các nhà sư trẻ, những học sinh Hoa văn, Trung văn, các nhà chế bản tiếng Hoa v.v... hoan nghênh. Nhiều độc giả ở TP.HCM và tỉnh xa thường gọi điện về hỏi thêm cách sử dụng. Một phần mềm nhập và tra cứu tư liệu Hán Nôm là cái đích tiếp theo của anh. Anh đã đi gần đến đích. Để hoàn chỉnh, anh cần thời gian và một phần tài chính. Cả hai thứ ở anh không thật dồi dào. Lúc này, anh mong có sự tiếp sức từ những nhà lập trình chuyên nghiệp và những nhà hảo tâm với việc làm hữu ích cho cộng đồng, và theo anh Ngưu còn có ý nghĩa "thiết thực bảo tồn văn hoá dân tộc". Tiện thể, tôi hỏi về ý nghĩa kinh tế của công việc viết sách và ra đĩa CD tra cứu. Anh cho biết: hoạt động này không có lãi, nhiều khi chữa bệnh để viết sách thôi.
Nhịp độ làm việc của Lê Quý Ngưu đều đặn như chiếc đồng hồ trong phòng anh. Không có ngày nghỉ cuối tuần. Không bia rượu, không có thì giờ ngồi ngân nga ở quán cà phê. Hỏi lịch sinh hoạt trong một ngày, anh trả lời: "4h30\' sáng dậy chạy bộ. 6 giờ sáng bắt đầu chữa bệnh đến 7 giờ chiều. Tối, đọc hoặc viết một mình, có khi với đồng nghiệp bàn chuyện sách báo. Có những đêm thức trắng". Làm việc hối hả, một đêm không ngủ quá 5. Thư giãn chỉ là thay đổi loại hình công việc. Và sức khoẻ được giữ gìn chủ yếu bằng luyện Yoga. Đúng, chỉ có thế, anh mới có thể đạt được, trong chừng ấy năm tháng, những thành quả đầy ấn tượng trên cả ba lĩnh vực: đi tiên phong trong sự nghiệp hiện đại hoá y học cổ truyền nước ta, cho ra đời hơn 25 cuốn sách tra cứu với hơn chục ngàn trang và cứu chữa nhiều ngàn người bệnh qua khỏi đau đớn và hiểm nghèo.
Vừa qua tuổi 50, anh còn nhiều trí lực, đam mê sáng tạo và tâm huyết với đời. Từ lòng mến phục sâu xa tôi chúc lương y Lê Quý Ngưu tiến xa hơn trên con đường "tăng đức lợi phước".
- Trần Thanh Minh
(Tháng 5/2003)
Việt Báo (Theo_VietNamNet)
| |||||||||
Hai vợ chồng lương y Lê Quý Ngưu và Trần Thị Như Đức là người đã dành trọn số tiền an vui tuổi già để giúp bệnh nhân nghèo chữa bệnh miễn phí.
Lương y Lê Quý Ngưu
Với nghiệp bắt mạch, bốc thuốc và viết sách…, những tưởng đến cuối đời ông Lê Quý Ngưu sẽ dùng số tiền tích góp để dưỡng lão. Nhưng ông đã dốc toàn bộ số tiền đó để xây dựng một phòng khám Đông y, với mong ước có thể cứu sống người nghèo không có tiền chữa bệnh. Ông tâm sự: “Xuất thân từ môt gia đình nghèo khó, tôi hiểu được những lúc ốm đau không tiền thuốc men vất vả đến nhường nào. Khi còn sức khỏe, tôi cố gắng mở phòng mạch này để giúp những ai nghèo khổ”. Sau khi có đủ cơ sở vật chất, ông đã thuê 6 lương y chuyên về y học cổ truyền vào làm việc với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng và những lương y này cũng xin góp lại cho ông bà một nửa số lương của mình để giúp phòng khám mua thuốc. Anh Nguyễn Lương Trung, một lương y trong phòng khám chia sẻ: “So với việc bác Ngưu mở phòng khám thì công sức chúng tôi bỏ ra đã thấm vào đâu. Làm việc ở phòng khám của bác, chúng tôi vừa làm từ thiện vừa nâng cao tay nghề ”. Hàng ngày, phòng khám của lương y Lê Quý Ngưu thu hút hàng chục người đến khám và chữa bệnh. Ông Ngưu kể: “Sau khi châm cứu, nhiều người đã khỏi bệnh, mang quà đến cảm ơn. Nhưng chúng tôi kiên quyết không nhận , dẫu biết đó là tấm lòng của họ nhưng có nghèo họ mới tới đây, mình nhận quà thì đâu phải đạo”. Ngoài việc người bệnh không phải chi trả bất cứ một khoản nào thì những người có giấy chứng nhận hộ nghèo, ở xa còn được phòng khám trích ra một phần sữa để bồi dưỡng. “Phòng khám mang tên Nhân Ái nên chúng tôi muốn nó thực sự nhân ái như chính cái tên của nó vậy”, ông Ngưu nói. Tháng 5-2010, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức cấp giấy phép cho cơ sở khám chữa bệnh Nhân Ái hoạt động. Bà Nguyễn Thị Bé, một bệnh nhân trú tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Điều trị tại đây tôi thấy mình khỏe ra, cũng may gặp thầy, gặp thuốc, lại không lấy tiền, không thì không biết khi nào tôi mới đỡ bệnh”. Để có kinh phí phục vụ cho các bà con người dân tộc thiểu số ít người tại các huyện miền núi, ông Ngưu xin vốn tài trợ từ các nhóm từ thiện. Lương y Lê Quý Ngưu chia sẻ: nếu có thêm kinh phí tài trợ từ các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội, chúng tôi sẽ đầu tư mở rộng phòng khám để phục vụ nhiều người hơn nữa. | |||||||||
qdnd.vn
| |||||||||
Dẫn từ khamphahue.com.vn |
MỘT NGƯỜI CON CỦA THANH THỦY THƯỢNG
THÀNH DANH Ở TỈNH PHÚ YÊN.
Lê Bá Thính sinh ra từ làng Thanh Thủy Thượng, phường Thủy Dương. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế năm 1982, anh nhận quyết định tăng cường về Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên. Qua quá trình công tác, từ một bác sĩ điều trị anh được bố trí làm Phó giám đốc, hiện nay là Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Phú Yên. Khi đã là lãnh đạo bệnh viện, công tác quản lí khá bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian nhất định để làm chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Với những cống hiến của anh, nhà nước đã tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Sau đây là những bài viết về anh được đăng trên báo PHÚ YÊN Online, và NHÂN DÂN Online.
Bác sĩ Lê Bá Thính và những công trình khoa học vì sức khỏe mọi người
Thứ Sáu, 24/02/2006 09:59 SA
Các đồng nghiệp ở Bệnh viện Y học cổ truyền luôn kính trọng khi nói về anh. Những bệnh nhân lớn tuổi ở đây thì xem anh như con trai.
CHỈ XIN ĐƯỢC LÀM MỘT LƯƠNG Y
Lê Bá Thính vào trường Đại học Khoa học Huế sau một thời gian dài trốn quân dịch, kiên quyết không khoác lên mình chiếc áo lính. Năm lần bảy lượt trốn trại cuối cùng anh cũng thực hiện được ước mơ trở thành thầy thuốc. Anh Tốt nghiệp Y khoa, năm 1982, anh được tăng cường về Phú Yên. Với nhiều người, việc phân bổ ấy là một sự thiệt thòi, nhưng Lê Bá Thính tâm niệm: “Đã là thầy thuốc thì ở đâu cũng chữa bệnh cứu người”. Từ giã đất cố đô, anh cùng vợ con vào làm dâu đất Phú.
Bác sĩ Lê Bá Thính đang khám cho người bệnh - Ảnh: Minh Ký |
Sau vài năm công tác bác sĩ Lê Bá Thính nhận thấy còn nhiều hạn chế trong điều trị bệnh bằng Tây y, nhất là với những căn bệnh mãn tính. Anh quyết định học tiếp chuyên ngành Y học cổ truyền. Như vậy, vừa có thể chữa trị Đông – Tây y kết hợp, vừa tận dụng nguồn dược liệu phong phú sẵn có và những bài thuốc cổ phương của cha ông để lại. Từ đây, anh say mê nghiên cứu những nguyên lí âm dương vận hành, những huyệt đạo, bài thuốc, cây thuốc ... Dù ở lĩnh vực nào anh luôn là một bác sĩ giỏi, một thầy thuốc đầy trách nhiệm, thương yêu bệnh nhân. Những năm gần đây, khi đã là lãnh đạo bệnh viện, công tác quản lí khá bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian nhất định để làm chuyên môn. Với anh, những phần thưởng hay các danh hiệu thi đua không quan trọng, mà điều có ý nghĩa lớn nhất là được làm một thầy thuốc chân chính cứu người.
NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC “MADE IN LÊ BÁ THÍNH”
Đầu tiên phải kể đến công trình điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp châm tê. Sau một thời gian ứng dụng lâm sàng, công trình của anh đã được ứng dụng một cách rộng rãi. Bài thuốc hữu hiệu trị rắn cắn của Bệnh viện Y học Cổ truyền Phú Yên được mọi người truyền tụng. Phương thuốc ấy là kết quả của sự mày mò nghiên cứu và thử nghiệm của bác sĩ Thính. Chưa hết, anh còn là đồng tác giả của nhiều nghiên cứu cho ra các biệt dược Đông y điều trị tại bệnh viện đạt hiệu quả lâm sàng tốt, được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, ngành đánh giá cao.
Không dừng lại, bác sĩ Lê Bá Thính tiếp tục có những ý tưởng táo bạo mà động lực duy nhất là phục vụ nhân dân. Đưa những cây thuốc, phương thuốc đến mọi người là ước mơ lớn của anh. "Dân mình còn nghèo, sử dụng những bài thuốc Đông y ít tốn kém lại hiệu quả". Ý nghĩ ấy luôn ám ảnh anh. Và rồi anh tìm được một cộng sự cùng chung suy nghĩ. Đó là đông y dược Lê Văn Phước, người sưu tập những bài thuốc, cây thuốc và phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền. Cuối cùng thành công cũng đến với người có chí. Sau gần 5 năm vừa làm công tác sưu tầm, chọn lọc, bổ khuyết nội dung và mày mò thể hiện bằng ngôn ngữ lập trình phần mềm “Tra cứu Đông dược” đã ra đời trong sự vui mừng không tả của hai tác giả và sự hoan hỉ của mọi người. Đó là một CD room có dung lượng 25 MB gồm 38 thư mục và 2341 tập tin với những nội dung: Giới thiệu, danh mục thuốc, phân loại thuốc từ điển Đông dược, phương dược học và hướng dẫn sử dụng.
Phần mềm có thể xem như một vị sư phụ của tất cả những người thầy, một quyển bách khoa điện tử về Đông dược. Với 250 bài thuốc, hàng ngàn tên đông dược, bất kỳ người dân bình thường chỉ cần vài động tác nhấp chuột trên máy vi tính đã có thể tự chữa được bệnh của mình nếu sử dụng đúng chỉ dẫn.
Không dừng lại ở đó, Bác sĩ Lê Bá Thính đang âm thầm chuẩn bị một sản phẩm mới với nội dung chính về châm cứu cách chữa bệnh không dùng thuốc, tiến đến sẽ cho ra đời phần mềm “Tra cứu, điều trị các loại bệnh bằng Y học cổ truyền”. Đây sẽ là một đại từ điển về Y học cổ truyền. Bác sĩ Lê Bá Thính tâm sự: “Tôi sẽ cố vượt qua tất cả những chướng ngại vật. Bây giờ chuyện viết bằng ngôn ngữ lập trình đã là chuyện nhỏ. Vấn đề còn lại là thời gian và sự ủng hộ của mọi người”.
THẾ NHƠN
"Vườn thuốc đông y" trên máy tính
Thứ sáu, 04/06/2004 - 05:37 PM (GMT+7)
Bác sĩ Lê Bá Thính (đứng) và y sĩ Lê Văn Phước.
"Phần mềm Tra cứu Đông dược" do hai thầy thuốc ở Phú Yên là bác sĩ Lê Bá Thính và Đông y sĩ Lê Văn Phước phối hợp thực hiện vừa được nghiệm thu và được Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Phú Yên đưa vào sử dụng.
Biến khó thành dễ
Phần mềm này có thể chạy tốt trên những máy cài hệ điều hành từ Windows 95 trở lên, gói gọn trong một CD-ROM, dung lượng khoảng 25 MB. "Phần mềm Tra cứu Đông dược" có 38 thư mục và 2.341 tập tin về hai nội dung chính: Tra cứu danh mục thuốc y học cổ truyền và 250 bài thuốc y học cổ truyền cơ bản thường được ứng dụng trong lâm sàng.
Hai tác giả đã lao động rất nghiêm túc mới có thể cung cấp chi tiết cách bào chế, công dụng, liều dùng của từng vị thuốc, từng cây thuốc kèm ảnh minh họa để người tra cứu dễ tìm kiếm, nhận biết. "Phần mềm Tra cứu Đông dược" còn một tiện ích khác là hỗ trợ việc tra cứu theo tác dụng, theo danh mục...
Bác sĩ Lê Bá Thính - chủ nhiệm công trình, thổ lộ: "Tôi thực hiện phần mềm này năm 1999, bắt đầu từ nhu cầu của chính mình. Trong Đông y, rất khó nhớ chi tiết về tên, công dụng,... của từng cây thuốc, vị thuốc. Một người làm việc lâu năm trong ngành như tôi mà còn như thế thì những đồng nghiệp trẻ hơn làm sao nhớ hết. “Thuốc thang” là chuyện phải chính xác trăm phần trăm, bởi chỉ cần một chút nhầm lẫn là “đụng” tới sinh mạng người bệnh. Chưa kể tra cứu theo kiểu thông thường rất mất thời gian. Cần có một phần mềm giải quyết tất cả những khó khăn đó"... Và cũng vì vậy, "Phần mềm Tra cứu Đông dược" trở thành "bửu bối" của những người quan tâm đến việc điều trị theo Đông y.
Thạc sĩ Lê Văn Thức - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, nhận xét: "Phần mềm này sẽ giúp đỡ thầy thuốc rút ngắn thời gian khám chữa bệnh. Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên sẽ đưa phần mềm này vào ứng dụng rộng rãi ở tuyến cơ sở. "Phần mềm Tra cứu Đông dược" là đề tài nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực tin học của các thầy thuốc y học cổ truyền ở Phú Yên. Sau thành công này, chúng tôi hy vọng sẽ nghiên cứu để ứng dụng tin học rộng rãi hơn trong công tác khám, chữa bệnh của ngành y học cổ truyền Phú Yên".
Y sĩ Lê Văn Phước cho biết thêm: “Bác sĩ Thính và tôi đang thực hiện phần mềm "Châm cứu Việt Nam", dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm. Chúng tôi dự định sẽ làm phần mềm "Tra cứu, điều trị các loại bệnh bằng Đông y"...
Những thông tin này khá hấp dẫn, đặc biệt là khi y học cô truyền vẫn bị xem như một lĩnh vực không thể thích nghi với những gì “hiện đại”.
Hai lương y, một tấm lòng
Để hoàn thành công trình đầu tay này, hai thầy thuốc của Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên đã trải qua rất nhiều khó khăn. Cả bác sĩ Thính và y sĩ Phước vốn là những người "mù tịt" về công nghệ thông tin nên cả hai đều phải mò mẫm từ đầu, tích lũy kiến thức cơ bản về tin học, học lập trình, web và nhiều “môn” khác để có đủ “công lực” mà hoàn thành ý nguyện của mình.
Bác sĩ Thính kể: "Lúc bí, chương trình không chạy được, tôi đi ngủ nhưng nằm không yên, thấy mình thua chính mình và vùng dậy làm tiếp cho đến khi xong".
Vì phần mềm được làm để phục vụ cộng đồng nên cả hai thầy thuốc không bận tâm đến bản quyền. Bác sĩ Thính bảo: "Chúng tôi quyết định thiết kế phần mềm bằng giao diện web vì dự định sẽ gửi nó lên website nào đó để tất cả mọi người có thể cùng sử dụng. Tuy phần mềm đã hoàn thiện và đóng gói, nhưng chúng tôi chưa liên hệ với bộ phận quản trị của website nào vì không hiểu thủ tục có rườm rà hay không. Hiện nay, chúng tôi mới chỉ chép nó vào CD vì ở vùng sâu, vùng xa, internet chưa thể vươn tới, CD vẫn tiện hơn, chỉ cần người dùng có máy tính, có đầu đọc đĩa là dùng được ngay. Chưa kể dân mình còn nghèo, bỏ ra vài nghìn mua một đĩa CD, chép lại phần mềm có thể xài... cả đời".
Nếu quan tâm đến phần mềm "Phần mềm tra cứu Đông dược", bạn có thể liên lạc với hai vị thầy thuốc này qua địa chỉ e-mail: bvyhctpy@yahoo.com.
(Theo (Tuần tin eChip))
Nguyên Tri Ngô Văn Phố
( Tổng hợp )
0 Comments:
Post a Comment