Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Lịch Sử phong trào yêu nước của dân làng Thanh Thủy Thượng



LỊCH SỬ PHONG TRÀO YÊU NƯỚC

CỦA DÂN LÀNG THANH THỦY THƯỢNG



Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước. Trong đấu tranh chống ngoại xâm, mỗi làng xã là một pháo đài chống giặc. Làng xã vừa có nghĩa vụ đóng góp xương máu vật chất vào nghĩa vụ đấu tranh chung, vừa phải tự đấu tranh chống lại văn hóa nô dịch để bảo vệ tiếng nói, phong tục tập quán của địa phương mình.

Làng Thanh Thủy Thượng mới thành lập nhưng truyền thống yêu nước hàng năm của dân tộc luôn được kế thừa và phát huy. Người dân ở đây vốn là con cháu của những thế hệ đã từng tham gia kháng chiến chống giặc Nguyên, chống quân Minh để bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc. Tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc thấm sâu vào tâm hồn họ và vì thế, dù sống trong vùng cát cứ của họ Nguyễn vẫn không bị phai nhạt, trái lại càng mạnh mẽ thêm.

Sau hơn 40 năm kể từ ngày thành lập làng ( 1740 ), toàn thể dân làng đã tập trung trí tuệ sức lực để khai hoang một vùng rừng núi, vừa đấu tranh chống mưu đồ nội chiến của họ Nguyễn, họ Trịnh. Năm 1776 cơn bão táp cách mạng của phong trào Tây Sơn lan truyền đến TTT mở đầu vận hội mới của làng.

Sau khi đánh thắng quân Xiêm ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút vào đầu 1785, mùa hè năm 1786 tại Quy Nhơn, bộ tham mưu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn quyết định đưa quân ra đánh Phú Xuân, giải phóng Thuận Hóa. Ba vạn nghĩa quân đặt dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ theo hai đường thủy bộ vượt đèo Hải Vân tiến đánh An Nông - một cứ điểm chiến lược, yết hầu của thành Phú Xuân. Hạ được đồn An Nông, Nguyễn Huệ lệnh cho quân sĩ gấp rút tiến thẳng ra Phú Xuân. Đêm 14.6.1786 lực lượng nghĩa quân Tây Sơn đến làng Thanh Thủy Thượng. Tại đây dân làng dưới sự chủ trì của vị trưởng tộc họ Ngô, đã nô nức đón tiếp vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và nghĩa quân. Nhà thờ họ Ngô TTT vinh dự được đón tiếp Nguyễn Huệ và nghĩa quân  vào nghỉ chân ăn uống trước khi bước vào trận quyết chiến hạ thành Phú Xuân vào ngày 15.6.1786.

Nhà thờ họ Ngô TTT nằm bên đường Cái quan, phía trước có một khu đất rộng lại kín đáo, rất thuận lợi cho việc dừng quân ( nay đã xây trường Cơ sở Thủy Dương.). Thời bấy giờ, đoạn đường từ nhà thờ họ Phạm lên đến đồn An Cựu thưa thớt nhà, cần phải cơ động nhanh..

Thuận Hóa được giải phóng, nhân dân nồng nhiệt ủng hộ , tham gia lực lượng chiến đấu. Ngay trong những ngày đầu khi Thuận Hóa được giải phóng, hàng ngàn thanh niên ở đây hăng hái tham gia lực lượng nghĩa quân:

Người ta mới công bố một lệnh tuyển quân, các cậu thanh niên từ 15 tuổi trở lên hăng hái tham gia. Ở đây mọi người từ 15 tuổi đều ra trận, các ông già, đàn bà góa và các cô gái thì đi sửa cầu, hoặc chữa các con đường lớn, hay xay thóc giã gạo.

Trong khí thế đó, dân đinh TTT thực hiện khẩu hiệu “ Tận xuất vi binh  ” , nhiều người hăng hái tình nguyện gia nhập nghĩa quân. Người già, phụ nữ lo tăng gia sản xuất phục vụ chiến đấu . Dân đinh TTT cùng với nhân dân cả nước đã đập tan quân xâm lược Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ dậu 1789.

Những chính sách sáng suốt về kinh tế chính trị, giáo dục của vị anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ đã tác động tích cực trong việc phát triển mọi mặt làng TTT mới thành lập. Đây là thời kỳ để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dựng làng.

Sau khi Quang Trung mất (1792) con là Quang Toản lên nối ngôi. Quang Toản còn ít tuổi chưa đủ năng lực và uy tín để tiếp tục sự nghiệp của cha. Triều Tây Sơn ngày bị suy yếu. Nhân cơ hội đó năm 1801 Nguyễn Ánh nhờ thế lực của nước ngoài đã đánh chiếm Phú Xuân. Năm 1802 sau khi chiếm được Thăng Long, Nguyễn Ánh lên làm vua lấy hiệu Gia Long, thiết lập triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Con em TTT tham gia phong trào Tây Sơn lần lượt trở về làng. Một số vào Xuân Sơn - Phường Chánh, một vùng rừng núi ở phía tây làng TTT để ẩn nấu, khai phá làm ăn, tránh những hành động khủng bố, trả thù của Nguyễn Ánh.

Sau khi lên ngôi, để củng cố chế độ phong kiến tập quyền, Gia Long đã thực hiện những chính sách cai trị hà khắc, làm cho đời sống nông dân ngày càng cơ cực.

Ở Thanh Thủy Thượng, hình thức đấu tranh chống lại lực lượng cường hào địa chủ phong kiến ở địa phương là đi ăn trộm. Một số nông dân khi thì năm bảy người, lúc nhiều hơn, hàng đêm đến nhà tài hào, địa chủ để rình. Lúc nào chủ nhà sơ hở thì lẻn vào trộm thóc, gạo, thức ăn đem về chia nhau sinh sống qua ngày.

Các nhà quan lại, địa chủ trong làng đều có rất nhiều tôi tớ canh giữ. Những người này kê giường ngủ ngay trên những thúng gạo mới giã xong. Sáng dậy, gạo không cánh mà bay. Đêm 30 Tết, bếp nhà giàu nào cũng có nấu nồi bánh tét to tướng, con lợn mới mổ treo trong nhà, nhưng đến sáng thì chẵng còn.

Đến thời Tự Đức nạn mất mùa đói kém ngày càng nghiêm trọng. Nông dân kéo nhau thành từng đoàn vào rẫy của giàu, uy hiếp những người giữ rẫy nhổ sắn về ăn.

Đối với những quan lại địa phương ác ôn, nông dân thường dùng những khuyến cáo như đốt nhà, hay trực tiếp chống lại các chức dịch địa phương lợi dụng chức quyền chiếm đoạt ruộng Bách phân chuẩn ngũ, ngăn chặn không cho xuống ruộng, buộc những người này phải đem ruộng ra đấu công khai trước nhân dân.

Năm 1861 vua Tự Đức đã chọn dãy Tam Sơn ở Thanh Thủy Thượng để xây lăng tẩm. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc xây lăng vua đã bắt đầu thực hiện. Tự Đức đã thân chinh về đây để xem xét địa thế. Nếu việc xây lăng được tiến hành thì làng TTT bị mất hàng chục hecta đất. Dân làng viện cớ đất TTT toàn là lính Kinh tượng, vua không thể ở với lính giữ voi, Dân làng đã khôn khéo lôi kéo được ông thầy địa lý và bày cho ông tâu với vua rằng đất này rất đẹp, nhưng thiếu hậu, xây dựng lăng ở nơi ấy sẽ không có người thừa tự. Cuộc đấu tranh thắng lợi, Tự Đức đã phải chuyển lên xây ở núi Dương Xuân.

Thực dân Pháp xâm lược nước ta, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra sôi nổi từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Dân làng Thanh Thủy Thượng đã tích cực tham gia các phong trào đó.

Cụ Ấm, cụ Khóa tham gia trong ban lãnh đạo phong trào chống thuế của nhân dân huyện Hương Thủy. Các cụ là những nhà Nho yêu nước đã về Ba Lăng - Cồn Xuyên cùng những Nho sĩ huyện Phú Vang thảo ‘Kiến nghị’ để cùng nhân dân Thừa Thiên đấu tranh chống sưu thuế vào tháng 4.1908 tại tòa Khâm sứ Huế. Cuộc đấu tranh bị đàn áp khốc liệt, hai cụ bị thực dân Pháp bắt chém.

Một số binh lính khố xanh con em làng TTT theo vua Duy Tân và Trần Cao Vân âm mưu khởi nghĩa chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại năm 1916, số binh lính này đã hộ vệ vua Duy Tân và Trần Cao Vân theo sông Lợi Nông về Hà Trung. Sau khi bị bắt, những người này bị đày lên Lao Bảo.

Năm 1925, một số thanh niên con em làng TTT đang học tại các trường ở thành phố Huế, sớm tiếp thu tư tưởng dân chủ, tích cực tham gia các phong trào truy điệu cụ Phan Châu Trinh, đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và phong trào bãi khóa của học sinh các trường Quốc Học, An Cựu, Sê Nhô trong hai năm 1926 – 1927. Phùng Văn Nguyện tức Phùng Hàm – cha đẻ nhà thơ Phùng Quán – học sinh trường Quốc Học tham gia các phong trào trên đã bị đuổi học, bị kết án 2 năm tù treo, buộc gia đình bồi thường 360 đồng tiển học phí ( gần 15 tấn thóc).

Năm 1926 một số thanh niên làng TTT đi theo con đường cứu nước mới : tiêu biểu là Lê Trọng Bật đã gia nhập Tân Việt Cách mạng đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng Sản. Từ Lê Trọng Bật, tư tưởng cách mạng được tuyên truyền tại TTT, một lớp thanh niên TTT đã tiếp thu và sau đó trở thành người Cộng sản như Ngô Hữu Yên.

Lê Trọng Bật, Ngô hữu Yên là những người nòng cốt xây dựng lực lượng cách mạng, phát triển phong trào, tạo mọi điều kiện đẻ tập hợp dân làng chuẩn bị giành chính quyền ở đình làng TTT vào ngày 20.8.1945.

Tóm lại, với lòng yêu nước nồng nàn, tùy theo yêu cầu từng giai đoạn của đất nước, dân làng TTT đều có đóng góp công sức, xương máu của mình. Còn nhiều dân làng TTT tham gia các phong trào yêu nước, đã anh dũng hy sinh nhưng không được sử sách ghi lại. Tuy nhiên những người yêu nước đó chỉ là từng cá nhân tham gia các phong trào một cách tự phát. Phải đến trước cách mạng tháng Tám 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Đông Dương đã tập hợp được tất cả dân làng đứng lên giành chính quyền đầu tiên trong toàn huyện Hương Thủy.



Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ

  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Lịch Sử phong trào yêu nước của dân làng Thanh Thủy Thượng Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng