Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Lễ tiễn ông Táo về trời ở làng Thanh Thủy Thượng.



Những phong tục đẹp của làng Thanh Thủy Thượng trong dịp Tết.
Tiễn ông Táo về trời

Tết là một phong tục không thể thiếu trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt. Phong tục tết Việt vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều nghi lễ quan trọng, một trong những phong tục đó là tục cúng Ông Táo. Ở làng Thanh Thủy Thượng, phong tục này được người dân thực hiện việc thờ cúng và tiễn đưa ông Táo về trời có những  sắc thái riêng:

Không biết tục cúng Ông Táo đã có từ bao giờ nhưng theo truyền thuyết thì đây là phong tục đã có từ rất lâu; có lẽ từ thủa còn chế độ mẫu hệ, khi tổ tiên người Việt đã biết làm nông nghiệp và sử dụng lửa trong việc nấu nướng món ăn thức uống. Sở dĩ khẳng định là vậy bởi theo tích xưa truyền lại thì:

"Có hai vợ chồng tiều phu nghèo không con nên hay buồn phiền, cãi cọ. Một hôm, người chồng giận quá, đánh vợ. Quá buồn tủi, người vợ bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ của một chàng thợ săn miền ngược. Sau khi người vợ bỏ đi, người chồng cũ ân hận, bỏ công ăn việc làm đi khắp mọi nơi tìm vợ và trở thành người hành khất sống qua ngày.


                                     Vua bếp – Định Phúc Táo Quân
Một lần vào xin ăn gia đình nọ, được bà chủ mang cơm ra đãi, người chồng nhận ra bà chủ là vợ mình, người vợ cũng nhận ra chồng cũ. Hai người ân hận, hàn huyên, tâm tình. Sợ người chồng mới về bắt gặp nên người vợ bảo người chồng cũ ẩn vào đống rơm ngoài vườn để nàng tìm cách thu xếp cho êm đẹp.

Người chồng cũ đi đường xa mệt mỏi nên ngủ thiếp trong đống rơm. Lúc người chồng mới về, nhớ đến việc thiếu tro bón ruộng, liền châm lửa đốt đống rơm. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, người vợ chạy ra thấy vậy ân hận liền nhảy vào đống lửa chết theo chồng cũ. Thấy vợ chết cháy, người chồng mới cũng thương xót tiếp tục nhảy vào đống lửa đang cháy đỏ và cả ba đều chết cháy.

Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà."

Từ xa xưa, người dân Thanh Thủy thượng đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Theo tục lệ cổ truyền, người dân tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình. Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới,


Người dân TTT thường làm lễ cúng ông Táo, tiễn đưa về chầu Ngọc Hoàng rất đơn giản. Ngày 22 tháng Chạp, họ  mua tượng ông Táo bằng đất sét nung, bông chuối hương đèn... Lư hương được thay cát trắng mới, ông Táo cũ được thay bằng tượng ông Táo mới. Lễ cúng ông Táo thường diễn ra từ sáng sớm  23 tháng Chạp, người dân thắp hương, vái lạy xong tiễn đưa ông Táo cũ lên ngôi miếu của Ấp, cắm ba cây hương, đốt một ít vàng mã. Lễ tiễn đưa diễn ra đơn giản nhưng thành kính.


Việc tiễn đưa ông Táo về trời là một phong tục đẹp với ý nghĩa tâm linh: Người dân có niềm tin trong nhà mình có Táo Quân trông coi, cho nên mọi việc làm của những người trong nhà đều được Táo Quân ghi nhận để báo lại với Ngọc Hoàng và Ngọc Hoàng sẽ có sự phán xét công bằng. Chính có đức tin này, người dân Thanh Thủy Thượng tâm niệm phải làm lành, tránh làm việc ác để hưởng được quả lành và ngọn lửa yêu thương sưởi ấm cho gia đình luôn được hạnh phúc.

Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ

23 Tháng Chạp  năm Ất Mùi.

(Ảnh 1,4: Thích Huyền Minh. Ảnh 3: Bá Bảo).

  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Lễ tiễn ông Táo về trời ở làng Thanh Thủy Thượng. Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng