Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Con gái Thanh Thủy.



Bà Chánh Tứ phẩm Cung Nhân LÊ THỊ LIỆU

Thời phong kiến, người con gái đi làm dâu phải giữ “Tam tòng”, “Tứ đức”, phải thực hiện bổn phận làm dâu, giúp chồng, nuôi con…Làm được những việc này để trở thành dâu thảo, vợ hiền đã khó; dạy dỗ con thành người hiền tài cho đất nước lại càng khó hơn. Thế nhưng, một người con gái làng Thanh Thủy Thượng đã làm tốt trách nhiệm của mình, được vua Thành Thái khen: “vốn người đoan chánh trang nghiêm, trung trinh hiền thục, dùng đức để giúp chồng, dùng nghĩa để nuôi con..” được ban sắc tặng “Chánh Tứ phẩm Cung Nhân”. Đó là bà Lê Thị Liệu.

Bà gốc họ Lê Bá làng Thanh Thủy Thượng, bà kết duyên cùng ngài Nguyễn Viết Lộc (Phước) đời thứ 6 (1816-1879) họ Nguyễn Viết làng Dã Lê Thượng. Ngài Nguyễn Viết Lộc vốn làm nghề Đông Y, dùng đức lành cứu nhân độ thế, trên nể dưới vì, thành trong tỉnh ngoài y danh lừng lẫy, nguyên là Minh Nghĩa Đô Úy Quản Cơ, vua Thành Thái đặc cách gia tặng Phấn Dõng tướng quân Cẩm Binh Vệ Úy. Sau đó vua Thành Thái lại đặc cách gia tặng “Cang Dõng tướng quân Cẩm Binh Vệ Úy, ban thụy là Cung Túc làm rạng danh cho gia thế từ đời này sang đời khác.”

Hai Ông Bà được vua Thành Thái khen ngợi: Vốn giữ  nghiêm gia phong, nuôi dưỡng đức lành, tề gia biết vui với điều thiện, yêu con biết dạy điều nhân nghĩa, un đúc hạnh vận cho nếp nhà, có được kẻ hiền tài nối dõi, một lòng bảo vệ non sông, tài năng vượt chúng siêu quần đã thể hiện được nhiều mưu hoạch phò tá cho vương triều khỏi hiểm nguy.” Kẻ hiền tài này là Nguyễn Viết Hữu (1852-1938).

Ngài Nguyễn Viết Hữu là một sĩ quan cao cấp dưới thời các vua Tự Đức- Hàm Nghi- Thành Thái- Duy Tân, đã từng đem quân chống trả quân Pháp đánh chiếm cửa Thuận An, phò vua Hàm Nghi ra Quảng Trị lập căn cứ chống Pháp sau khi kinh đô thất thủ và được vua Duy Tân mời trở lại tham gia khởi nghĩa chống ngoại xâm mặc dù lúc đó ngài đã hưu trí.

Nổi bật nhất là qua mấy triều đại đã được ca ngợi và ban khen: “ Vốn côn quyền hơn sức, tài đao kiếm tài tình, bao phen điều binh khiển tướng dương danh nơi chiến địa, lắm bận chống xâm lăng, trọn đời vì nghiệp võ, chú tâm trấn thủ biên cương, nhất nhất bảo vệ non sông, trước sau một lòng phò trợ cần mẫn, mưu hoạch và công tích siêu việt, không uổng sự ký thác lớn lao của triều đình”.

Dưới triều vua Thành Thái Ngài giữ chức vụ Phó Đề Đốc quân vụ, được phong Hùng Uy Tướng quân Chưởng Vệ, ban tặng Kim Khánh hạng Ba và thăng Uy Nghiêm tướng quân hàm Thống chế.

Vua Duy Tân cũng khâm phục ban khen:” Tuổi già mà hết mình vì nghĩa quân thần, năng lực võ nghệ hơn người, khi phòng vệ thì trang nghiêm kính cẩn, trong võ phục thì quả cảm cương nghị. Duy chỉ người giữ được hùng tâm tráng khí vững bền.”,lại được thơ khen là: “Nguyên lão sùng mệnh ở chốn bệ rồng, có thể khen là bậc anh kiệt, lúc mới xuất hiện đã thể hiện khả năng và cái dũng mãnh của nhà võ tướng”.Được ban tặng cờ lọng chỉ huy. Từ Kinh Binh Tứ Vệ Thống Chế kiêm Đề Đốc Hộ thành được thăng Thụ Tráng Võ tướng Quân Đô Thống Phủ Đô Thống hàm Nhất phẩm. Sau khi nghỉ hưu vua Bảo Đại còn ban tặng Long Tinh hạng Tư và lúc 81 tuổi, ban sắc tứ: ” Tứ Đại Đồng Đường”.

Hai Ông Bà còn có một người con nữa là Nguyễn Viết Tuyên (Chỉ), đỗ Tú tài khoa Ất Đậu (1885), văn hay chữ tốt , ứng khẩu lưu loát, tánh tình cương trực nghiêm nghị mà nhân ái.

Do nuôi dạy con cái thành người tài giỏi, vua Thành Thái đã ban sắc phong cho Bà Lê Thị Liệu:


PHIÊN ÂM:

Thừa  Thiên hưng vận, Hoàng đế chế viết

Trẫm duy, Thần tử trí thân chi tiết, trung tự hiếu di

Triều đình tứ loại chiaan, mẫu dĩ tử quý.

Quỹ lễ chi xứng, duyên tình nhi suy

Tư nhĩ, Lê Thị Liệu, nãi Cấm Binh Vệ Úy lãnh Vũ Lâm dinh Tả dực Chưởng Vệ. Quyền chưởng dinh ấn Nguyễn Viết Hữu chi sinh mẫu, hổ phạm lưu huy, khuê nghi triển thục: tương phu dĩ đức, tử vô thành. Tứ dư khánh chi sở chung, tín thiện nhân chi hữu hậu. Đãi kê di điển, triệu tứ vinh danh.

Tư chuẩn phong nhĩ vi Chánh tứ phẩm Cung nhân,tứ chi cáo mệnh. Ư hư, ỷ lư chi vọng cửu hỉ nãi cập vu thành lưu căn chi bảo, kim tư thượng quản khuyết hậu.

Khâm tai!

Thành Thái tứ niên thập nhị nguyệt thập nhất nhật.



DỊCH NGHĨA:

Nhận mệnh trời, hưng vận nước.

Hoàng đế chiếu rằng:

Trẩm nghĩ, kẻ bầy tôi hết lòng vì nước, chữ trung cũng phải bắt đầu bằng chữ hiếu. Trong ân điển của triều đình ban cho mọi người, cũng phải nghĩ chuyện mẹ nhờ con mà vinh hiển.

Căn cứ vào điển lễ xưa nay, cũng từ lý tình mà suy.

Nay xét người là LÊ THỊ LIỆU, là sinh mẫu (mẹ ruột) của quan Cấm binh Vệ Úy lãnh chức Chưởng Vệ của Tả Dực Vũ Lâm dinh, Quyền Chưởng Dinh ấn là Nguyễn Viết Hữu.

Vốn người đoan chánh trang nghiêm, trung trinh hiền thục, dùng đức để giúp chồng, dùng nghĩa để nuôi con. Nhờ vậy mà un đúc được gia phong, có hậu nhân là người tài giỏi. Căn cứ vào điễn lễ quốc gia, nay ban cho được vinh danh cùng non nước.

Chuẩn phong cho người làm Chánh tứ phẩm Cung nhân, ban cho sắc bằng này. Ô hô ! Gia hương trông vọng đã lâu, nay mong ước đã thành, ấy cũng là phước báu lưu đời. Nay ban thưởng ngõ hầu đền bù vậy. Khâm tai!

Thành Thái năn thứ tư, ngày 11 tháng 2 (1891).

(Bản dịch của Phạm Đức Thành Dũng- Phòng Nghiên cứu TTBT Di tích Cố Đô Huế. 2003).



Bà Lê Thị Liệu được nhà nước phong kiến “ban cho được vinh danh cùng non nước”. Ôi vinh dự biết bao - một người con của làng Thanh Thủy Thượng.



Dẫn lại từ RẠNG NGỜI GIA PHONG – Nhất Tự NGUYỄN VIẾT Ô MAI LUÂN-

KỶ YẾU HỌ NGUYỄN VIẾT 2011.



Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ





  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Con gái Thanh Thủy. Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng