Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Hội Lạp - Lễ hội truyền thống làng Thanh Thủy Thượng



HỘI LẠP

Các Họ, các Chi, Phái trong làng đều có ngày chạp diễn ra từ tháng 11 nhưng tập trung hơn ở tháng 12- vì thế tháng 12 được gọi là tháng Chạp. Trong ngày này, việc quan trọng là vào Cồn Mồ để dãy cỏ và đắp thêm đất cho mồ mả của Phái, Chi. Sau đó  thiết lập cổ bàn để cúng giỗ Tổ tiên. Chạp là dịp để đoàn tụ, gặp gỡ con cháu nội ngoại trong vòng ba đời “ trước cúng sau cấp ”.

Hội lạp là ngày hội chạp (1) của làng Thanh Thủy Thượng. Hội Lạp diễn ra trong hai ngày Mồng một, mồng hai tháng Hai  Âm lịch.

Ngày mồng Một, thanh niên trai tráng của bốn ấp chia thành bốn đoàn đi vào Cồn Mồ. Họ dẫy cỏ và thêm đất cho tất cả những ngôi mộ chưa được chạp trong tháng 12. Đó là những ngôi mộ vô tự của làng.

Tối mồng Một, dân làng mỗi người một mâm bánh trái mang về tập trung tại Đình môn – đây cũng là đình phụ của làng nằm ở Cồn Mồ. Mâm cổ của nhà nào đều có ghi tên mình , được đặt theo từng ấp. Đình môn có 5 gian, gian giữa của làng, 4 gian còn lại của bốn ấp. Trên bàn thờ, các mâm bánh trái đặt chồng chéo lên nhau.

Suốt đêm mồng một, làng tổ chức Tế lễ. Dân làng trong áo quần lễ phục thay nhau vào lễ lạy. Chánh lễ được tiến hành vào khoảng bốn giờ sáng mồng hai. Tiếng chiên trống, tiếng ‘ Hưng, Bái ’ vang động cả một vùng Cồn Mồ vốn tĩnh lặng. Từng đoàn người mang đèn, đuốc từ các thôn xóm kéo nhau vào. Đông nhất là các cháu thiếu nhi, vào đình môn để xem lễ, vừa để được phân phát bánh trái và nhận lại mâm cổ của nhà mình.

Sáng sớm, việc tế lễ đã xong, bánh trái của người nào thì đến mang về nhà.Trai đinh về tại ấp của mình để dự phần ăn uống.

Hội Lạp là một trong những kỷ niệm đẹp được lưu giữ trong tâm hồn của dân làng Thanh Thủy Thượng.


ĐÌNH MÔN

LÀNG THANH THỦY THƯỢNG- PHƯỜNG THỦY DƯƠNG

Năm Cảnh Hưng nguyên niên - Canh Thân 1740, một nửa dân làng Thanh Thủy do bị thiên tai thủy họa, thiếu đất canh tác, đã phải di cư lên vùng đất cao sát chân Độn Sầm lập làng mới. Năm 1741 thành lập chùa Đông Hải, Nam Sơn để phân định ranh giới của làng, Năm  Nhâm Tuất 1742 làng chính thức đệ đơn lên triều đình phong kiến xin lập làng Thanh Thủy Thượng. Cũng vào năm này, các Họ phân chia con cháu . Năm Quý Hợi 1743 làng tiến hành xây dựng Đình làng Thanh Thủy Thượng để thờ tự các vị Khai canh và lập Đình Môn để thờ  các vị vô tự trong khu vực nghĩa trang của làng.

Đình Môn đầu tiên chỉ là một khu đất rộng khoảng 1000 m2, nằm giữa Cồn Mồ, hàng năm vào ngày Mồng Một tháng Hai Âm lịch, dân làng bốn Ấp vào dãy cỏ những ngôi mộ vô chủ chưa được chăm sóc trong tháng Chạp. Sáng Mồng hai tiến hành lễ cúng Hội Lạp – chính là ngày chạp chung của làng.

Qua thời gian, từ một bãi đất trống, dân làng từng bước xây dựng. đến trước năm 1975 Đình Môn tương đối hoàn chỉnh với 5 hương án đúc bằng xi măng bao quanh có những hàng trụ. Phía trước có tựợng ngài Tiêu Diện Đại Sĩ.

Sau năm 1976 nhà nước quy hoạch khu Cồn Mồ - Đình Môn để làm xưởng dệt. Đình Môn không còn, nhưng hàng năm vào những ngày Mồng một, mồng hai tháng Hai - Âm lịch, dân làng tự phát tổ chức lễ tại chợ Mai Thủy Dương hay ở trước cổng nhà mình.

Tại Đại Hội Mặt Trận Tổ Quốc lần thứ IX phường Thủy Dương ngày 17.12.2013 Hội Cựu Giáo Chức phường Thủy Dương đã kiến nghị khôi phục Hội Lạp – lễ hội truyền thống cổ truyền của làng . Kiến nghị trên được Đảng Ủy, HĐND, UBND, UBMT.TQ phường Thủy Dương thống nhất cho chủ trương, giao 1000 m2 đất để Ban Khánh tiết làng triển khai xây dựng Đình Môn.

Vào lúc 5 giờ 30 ngày 15.7 Giáp Ngọ tức là ngày 09.8.2014 Ban Khánh Tiết làng đã tổ chức lễ Đặt đá khởi công xây dựng Đình Môn. Đến ngày 13.12 2014 công trình cơ bản hoàn thành Ban Khánh tiết làng làm lễ khánh thành , An vị ( 22..10 Giáp Ngọ).

Ban Khánh tiết làng ghi nhận công đức của các nhà hảo tâm, dân làng đã nhiệt tình ủng hộ tài, vật để công trình hoàn thành viên mãn.

(1)

Theo Phong Tục Thông (风俗通) của Ưng Thiệu (应劭 153-196) học giả thời Đông Hán nói: " 'Lễ Truyện' (礼传): Chữ lạp (), hoặc lạp () đều có nghĩa là săn bắt cầm thú để cúng tế tổ tiên. Hoặc nói: Lạp () là tiếp (), tức là cái cũ và cái mới giao tiếp nhau, cho nên cúng tế lớn là để báo cáo thành tích". Nguồn gốc của nó có từ rất sớm, "Lễ Ký Giao Đặc Sinh" (礼记郊特牲) có ghi chép: Lúc đầu, Y Kỳ Thị* gọi là Chạp (: lễ chạp). Chạp cũng là tố ( ăn chay), tháng mười hai âl trong năm, tập hợp muôn vật để cúng tế"

"Sử ký - Bổ Tam Hoàng Bản Kỷ" (史记•补三皇本纪) cũng nói: "Tộc họ Viêm Đế Thần Nông (炎帝神农姜)** lấy thời kỳ đầu làm nông nghiệp, cho nên gọi là Chạp tế (蜡祭), để báo ân trời đất. Triều đại nhà Hạ (夏朝) gọi lạp nhật là Gia Bình (嘉平), triều đại nhà Ân (殷朝) gọi là "Thanh Tự" (清祀), nhà Chu (周代) gọi là "Đại Chạp" (大蜡), đến đời Hán đổi lại là "Lạp" (腊)

Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Hội Lạp - Lễ hội truyền thống làng Thanh Thủy Thượng Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng