Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA NGÀI BỔN THỔ THÀNH HOÀNG LÀNG PHÙ BÀI NGÔ PHỦ QUÂN

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA NGÀI BỔN THỔ
THÀNH HOÀNG LÀNG PHÙ BÀI
 NGÔ PHỦ QUÂN
Ngài Ngô Phủ Quân húy Thụ tự Thù.
Sinh ngày    13.4 năm Nhâm Tuất (1502).
Tạ thế ngày 13.12 năm Nhâm Thìn, niên hiệu Quang Hưng thứ 15 (1592)
     Húy kỵ ngài vào ngày 13.4 và 13.12 ÂL hàng năm.
     Cha : Gia phả ghi Thái Thái Tổ Họ Ngô Đầu về quận Bột Hải
     Mẹ : Lấy tên hiệu theo tước chồng.
I.NGUỒN GỐC - DÒNG TỘC                                                       
Dòng dõi của Ngài Ngô Thù vốn gốc ở Bột Hải quận (nay là tỉnh Sơn Đông ) dưới triều nhà Minh (1368-1644 ). Tổ tiên của ngài Ngô Thù là một đạo sĩ Lão giáo thiền sư có tài kỳ môn độn giáp, pháp thuật thần thông. Ngài Tổ làm quan ở Đạo Kỳ ty triều nhà Minh.Thời kỳ nội thuộc nhà Minh cai trị, từ năm 1414-1427 vua triều Minh ban chỉ truyền mở mang Nho học sang đất Việt, lấy Tứ thư Lục kinh, bộ Tinh lý Đại toàn đưa sang ban cấp cho  các phủ, châu, huyện. Ngài Tổ phụng mệnh làm khâm sai giáo sĩ sang đất Việt để truyền Đạo giáo.
 Gia phả họ Ngô Phú Bài : “Thời kỳ nội thuộc nhà Minh cai trị, từ năm 1414 đến 1427 vua triều Minh ban chỉ truyền mở mang Nho học sang Đất Việt, lấy Tứ thư Lục kinh, bộ Tinh lý Đại toàn đưa sang ban cấp cho người Việt ở các phủ, châu, huyện…
Căn cứ vào lịch sử thì ngài Bổn Thổ thành hoàng làng Phù Bài là dòng họ Ngô húy Thụ tự Thù. Ngài vốn dòng dõi Trung Quốc dưới triều nhà Minh. Tổ của Ngài là một đạo sĩ  Lão giáo thiền sư, có tài kỳ môn độn giáp, vạn pháp quy tôn, pháp thuật thần thông ngũ trí, tài năng hoán bổ lục thao. Ngài làm quan ở Đạo Kỳ ty triều nhà Minh, phụng mệnh làm khâm sai giáo sĩ sang đất Việt để truyền Đạo giáo..”

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi (1418-1427) Lê Lợi đã thế đức hiếu sinh cấp gạo thuyền cho quân Minh rút về nước 23.12.1427). Gia đình ngài Ngô Thù chỉ là giáo sĩ sang truyền đạo vì thế đã quyết định ở lại cư trú tại xứ Đường Lâm, quê hương của Ngô Quyền.
Gia phả họ Ngô Thanh Thủy: “Nguồn gốc ngài Thái tổ (Ngài Ngô Thù) quê ở Trung Quốc tại xứ Minh Châu, lạc đạo giáo vãng cư Việt địa, Băc Ninh tỉnh,  Đường Lâm xứ, đời Quang Thuận Lê Thánh Tông 1460 Hậu lê”
Sống ở Đường Lâm (nay thuộc Ba Vì, Hà Tây), qua một thời gian dài, đến đầu thế kỷ XVI, gia đình ngài Ngô Thù đã trở thành người Việt chính thống : người Đường Lâm .Vì thế, khi ngài Ngô Thù sinh (13.4 . 1502) , gia phả họ Ngô Lang Xá ghi: 
 “Nguyên hệ xuất Bột Hải quận, tính Ngô, Đường Lâm nhân, thuộc Bắc Ninh tỉnh”
Như vậy, ngài Ngô Phủ Quân có Tổ tiên gốc ở quận Bột Hải ( nay là tỉnh Sơn Đông- Trung Quốc) đến triều nhà Minh được cử làm Khâm sai giáo sĩ sang đất Việt để truyền Đạo giáo. Bài Thần chú ở làng Phù Bài có ghi :
“ Tánh Ngô tự Thù húy Thụ,
 Nguyên phụ mẫu sinh tại Minh triều,
 Lạc đạo giáo vãng cư Việt địa.”

II.THÂN THẾ-SỰ NGHIỆP:
Được tiếp thu sở học của ông cha, ngài Ngô Thù đã trở thành một đạo sĩ Lão giáo thiền sư tài giỏi. Ngài tham gia quân đội và trở thành một võ tướng chỉ huy đội quân tinh nhuệ dưới tướng Nguyễn Kim.
Năm 1527 Mạc Đăng Dung truất phế vua Lê, thành lập nhà Mạc. Nguyễn Kim giương cao lá cờ Phù Lê diệt Mạc, lập Nam triều ở Thanh Hóa. Gia đình ngài Ngô Thù chuyển về cư trú ở Thanh Hóa.
Gia phả họ Ngô Lang Xá : “Lê Trang Tông hữu niên giám, tỵ Mạc chi loạn, cư Thanh Hóa”
Sau năm 1527 khi ở Thanh Hóa Ngài Ngô Thù đã có hai phu nhân : Đệ  nhất phu nhân: Bà Lê Thị Thị sinh hạ một ái nữ. Đệ nhị phu nhân: Bà Triệu Thị Mai hạ sanh được tam lang. Căn cứ vào năm sinh của ngài Ngô Điêu 1542 thì các con của ngài Ngô Thù đều sinh ra ở Thanh Hóa :
Bà chị đầu Ngô Thị Cừ sinh khoảng  1530.
Anh trai đầu Ngô Tôi tự Dao  sinh     1536
Ngô Lực tự Minh Triết           sinh     1539.
Ngô Điêu là con trai út           sinh     1542.
Đến giữa thế kỷ XVI dưới thời Hậu Lê, nội bộ triều đình từ khi Nguyễn Kim chết đã nãy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa hai dòng họ đang tôn thờ vua Lê. Trước tình hình đó, được sự tư vấn của Nguyễn Bỉnh Khiêm , Nguyễn Hoàng đã vận động xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa để tránh âm mưu sát hại của Trịnh Kiểm và lo xây dựng lực lượng lâu dài về sau.
Tháng 10 năm 1558 Nguyễn Hoàng nhận cờ Tiết chế vào trấn thủ Thuận Hóa lúc 34 tuổi. Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa đã đem theo những người thân tín tài giỏi, là những thành phần nòng cốt của mình, trong đó có gia đình ngài võ tướng tâm phúc Ngô Thù.
Tộc sử họ Ngô Việt Nam“Những người họ Ngô thiên cư theo Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị, Thừa Thiên nay có trên 30 Họ, nhiều nhất là ở Huế và vùng lân cận.”
Gia phả họ Ngô Lang Xá của Ngô Viết Hòa ( viết vào năm 1662):“Kỳ thời thống tướng Trịnh Kiểm ngôn vu đế, Lê đế chuẩn, Thái Tổ phân binh ngự Mạc, sở hướng khắc tiệp, dự hữu chiến công. Cập Mạc thối suy, công tại Thuận Hóa, hỹ kiến thử thổ địa sơn xuất hình thắng…”
Dịch: Lúc bấy giờ thống tướng Trịnh Kiểm nói với vua cho Thái Tổ    (Nguyễn Hoàng ) vào trấn thủ Thuận Hóa. Ông (Ngô Thù) theo Thái Tổ phân binh đánh Mạc, đánh đâu thắng đó, lập nhiều chiến công. Sau ngày Mạc bại ông thấy ở Thuận Hóa đât đai rộng rãi phì nhiêu
Đến Thuận Hóa, ngài võ tướng Ngô Thù được được phân công chỉ huy đồn An Nông, một chốt tiền tiêu bảo vệ thủ phủ Thuận Hóa.
Sau khi xây dựng đồn An Nông, bố trí lực lượng đề phòng giặc Chiêm Thành ở phía Nam, ngài Ngô Thù đã tìm đất để xây dựng nhà ở. Ngài đã chọn vùng đất rộng lớn hơn hai mẫu tọa lạc tại xứ Thánh Võ để tạo dựng dương cơ triều vọng phương Đông cho gia đình an cư lạc nghiệp. Sau đó ngài chiêu dân khai hoang lập làng. Ngài đã cùng nông dân khai hoang một vùng đất rộng lớn từ An Cựu cho đến Phú Bài:
Phía đông giáp sông Đại Giang và đầm Hà Trung. Phía bắc giáp hữu trạch sông Hương
Phía nam giáp sông Nong. Phía tây giáp Dương Hòa, Lương Miêu.
Với một vùng đất đai rộng lớn, ngài Phủ Quân đã nhượng đất cho ngài Nguyễn Đương, Lê Trại (đến sau ngài Ngô Thù gần 20 năm), nhượng phần ruộng ở Bàu Phù Nam và Bàu Năng cho ngài Nguyễn Đà khai canh làng Nong.
Đất ở Thanh Thủy được phân chia cho con trai thứ hai Ngô Lực. Ngài Ngô Lực trở thành Khai canh làng Thanh Thủy.
Đất ở Lang Xá được phân cho con trai út Ngô Điêu. Ngài Ngô Điêu trở thành khai canh làng Lang Xá.
Riêng phần ruộng đất ở làng Phù Bài thì giao cho người con trưởng Ngô Tôi. Ngài Ngô Tôi trở thành Tiền Khai canh Ngô Đại Tôn của làng Phù Bài .
Gia phả Phù Bài ghi : “Sau khi quan sát địa cuộc, ngài (Ngô Thù) đích thân chỉ định con trai trưởng là ngài Ngô Tôi khai canh làng Phù Bài và hai người con thứ là ngài Ngô Lực và ngài Ngô Điêu khai canh hai làng Thanh Thủy và Lang Xá…”
Ngoài công lớn khai hoang lập làng, Ngài Ngô Thù còn có công tìm mỏ , phát hiện vùng núi gần độn Phèn có vàng, ở độn Quánh có sắt . Do không đủ điều kiện khai thác mỏ vàng vì nằm quá sâu dưới lòng đất, ngài chỉ khai quặng lập lò luyện sắt ở độn Quánh để cung cấp sắt cho triều đình, mỗi năm nộp 2000 khối quặng sắt (mỗi khối 25 cân). Có thể nói Phù Bài là địa danh luyện sắt đầu tiên ở vùng Đằng Trong. Ngài Ngô Thù còn công tổ chức phòng chống giặc cướp và thú dữ, bắt cọp dụ voi cung cấp cho triều đình và nhiều tài nguyên khác, đặc biệt giống nếp thơm.
Ngài Ngô Phủ Quân còn có công phòng chống giặc cướp và thú dữ : Khi mới định cư vùng này còn hoang vu hẻo lánh, nơi trú ngụ có nhiều toán giặc cướp, lại có nhiều thú dữ phá hoại mùa màng, làm hại dân, ông đã cho tổ chức dân chúng tự bảo vệ. Ngoài ra ngài còn bắt cướp dụ voi cung cấp cho triều đình.
Ngài Ngô Phủ Quân là người có đức độ cao, sống có tình nghĩa với dân làng và bạn bè nhưng lại kiên quyết chống và trừng trị bọn giặc cướp, tà ma, quỷ dữ.
Ngài tạ thế vào ngày 13.12 năm Nhâm thìn niên hiệu Quang Hưng thứ 15 (1592) . Là người thông hiểu khoa địa lý, phong thủy nên ngài đã chọn âm phần cho bản thân mình. Ngài chọn mộ phần ở xứ Thành Võ, đó là một ngọn đồi cao ráo rộng rãi trên mười mẫu đất. Ngài và bà đệ nhất phu nhân được hiệp táng tại đây. Địa cuộc lăng mộ ngài theo thế “Kỳ Cổ”, tả có dãy đồi núi giống như lá cờ đang tung bay, hữu có một ngọn núi tròn như chiếc trống đại. Trước mặt có minh đường thủy tụ,  bốn mùa  nước mát trong xanh, hậu tẩm dày dặn thu thúc. Lăng mộ triều vọng phương Đông , tọa Tân hướng Ất kiêm Dậu, Mão. Với thế đất có long chầu hổ phục, có cờ trống dàn chầu hai bên rõ ràng là mộ cát huyệt kết, hậu duệ thọ hưởng phúc trạch đời đời. Địa cuộc phù hợp với cát huyệt của Địa lý Tả Ao :

“ Muốn cho kế thế công hầu,                             ,
 Thì tìm cờ trống dàn chầu hai bên                 
Ngũ tinh kết huyệt trung ương
Ấy đất sinh Thánh, sinh Vương đời đời”

Do công lao, tài năng và đức độ, Ngài Ngô Thù được triều đình ban nhiều sắc chỉ và phong thần:
Tước phong cao nhất của triều Hậu Lê là: TiềnTiền khai khẩn Bổn thổ thành hoàng Ngô Quý công, Đại tướng quân oai linh tôn thần
Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) ban lệnh bài: Bổn Thổ Ngô Quý Công Đại tướng quân hiển ứng oai linh tôn thần. 
Triều Tự Đức năm thứ 5 (1852) có sắc tặng : “Bổn Thổ Thành Hoàng Ngô Phủ Quân , gia tặng Tuấn Lương Chi Thần”.
Triều vua Đồng Khánh năm thứ 2 (01.7.1887) có sắc tặng: “ Bổn Thổ Thành Hoàng Ngô Phủ Quân , Tuấn Lương Chi Thần”.
Triều vua Duy Tân năm thứ 3 (11.5.1909) có sắc tặng : “ Bổn Thổ Thành Hoàng Ngô Phủ Quân , Tuấn Lương Dực Bảo Trung Hưng”.
Triều vua Khải Định năm thứ 9 (25.7.1924) có sắc tặng : “ Bổn Thổ Thành Hoàng Ngô Phủ Quân , Tuấn Lương Dực Bảo Trung Hưng Linh phò, gia tặng Quang Ý Trung Đẳng Thần”.
Triều Bảo Đại có truyền chỉ cung khai thần hiệu, sự tích để ban sắc phong tặng, ngài đã được nhà vua phê chuẩn tôn phong lên bậc Thượng Đẳng Thần, nhưng làng chưa kịp rước sắc phong thì vua Bảo Đại thoái vị vào tháng 8.1945.


Ngài Ngô Phủ Quân có nhiều công lao với đất nước và với làng Phù Bài, vì thế các triều nhà Nguyễn liệt ngài vào “Từ Điển Công Thần” với sắc phong “HỘ QUỐC TÝ DÂN”, do đó mỗi khi tế đàn Nam Giao tên Ngài được ghi vào danh sách công thần trong bài văn tế. Trưởng Cả (Tự thừa) của làng Phù Bài được mời tham dự có xe kiệu võng giá  đưa rước như các vị công thần:
“ Thứ nhất Phủ Doản Thừa Thiên,
   Thứ nhì Hội Viên Đầm Dã
   Thứ ba trưởng cả Phù Bài ”.
.
Như vậy, ba vị khai canh Ngô Đại tôn Phù Bài, Ngô Thanh Thủy, Ngô Lang Xá đều là con của ngài Ngô Phủ Quân, vị Đại tướng công thần dưới triều Nguyễn. Húy kỵ ngàì Bổn Thổ nhằm ngày 13.4 và 13.12 ÂL hàng năm.


III.           GIA THẤT.
Ngài Ngô Phủ Quân có hai phu nhân. Đệ nhất phu nhân: Bà Lê Thị Thị sinh hạ một ái nữ: Ngô thị Cừ. Bà Ngô Thị Cừ kết hôn cùng ngài thủy tổ họ Lê là ngài Lê Ngọc Hiền, sinh hạ được bốn người con : Lê Thế Sơn, Lê Thế Chính, Lê Thế Hiển, Lê Đại An.
Đệ nhị phu nhân bà Triệu Thị Mai sinh hạ tam lang :
Đệ nhất lang Ngô Tôi tự Dao.
Đệ nhị lang Ngô Lực tự Minh Triết.
Đệ tam lang Ngô Điêu.


Đệ nhất lang Ngô Tôi tự Dao.
Ngài con trưởng Ngô Tôi, giúp cha khai khẩn đất đai, khai mỏ luyện sắt, trở thành thủy tổ khai canh dòng họ Ngô Đại Tôn làng Phù Bài. Do có công với nước với dân nên được triều Khải Định năm thứ 2 sắc phong: Khai canh Ngô Đại lang chi Thần, gia tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh phò Tôn Thần.”
Triều Khải Định năm thứ 9 sắc phong :“Dực Bảo Trung Hưng Linh phò Tôn Thần. Gia tặng Đoan Túc Tôn Thần.”
Ngài sinh được chín người con: Ngô Đao, Ngô Chiêm, Ngô Quốc, Ngô Việt, Ngô Tử Khiên, Ngô Thị Bông, Ngô Thị Ba, Ngô Thị Bà, Ngô Thị Thương.
Ngài Ngô Đao là Thủy Tổ họ Ngô    I Phù Bài.
Ngài Ngô Quốc là Thủy Tổ họ Ngô II Phù Bài.
Ngài Ngô Việt là Thủy Tổ họ Ngô  III Phù Bài.
Bốn người con gái đều là thủy tổ phu nhân  các dòng họ của làng Phù Bài :
Bà Ngô Thị Bông, phu nhân ngài Nguyễn Nga thủy tổ họ Nguyễn.
Bà Ngô Thị Ba, phu nhân ngài Lê Hết thủy tổ họ Lê
Bà Ngô Thị Bà, phu nhân ngài Phan Màng thủy tổ họ Phan.
Bà Ngô Thị Thương, phu nhân ngài Nguyễn Sĩ thủy tổ họ Nguyễn.
Húy kỵ ngài Ngô Đại tôn vào ngày 29.4 và 07.11 Âm  lịch. Lăng mộ của ngài cùng bà phu nhân được song táng tại xứ Ông Ngò.

Đệ nhị lang Ngô Lực tự Minh Triết.

Là con thứ hai của ngài Bổn Thổ, vị võ tướng đang giữ đồn An Nong, một cứ điểm yết hầu của thủ phủ Thuận Hóa, đến năm 1558 ngài Ngô Lực đã là người trong đội quân Cẩm y vệ - đội quân cấm vệ có trách nhiệm bảo vệ phủ Chúa (Chánh dinh). Ngài Ngô Lực theo Nguyễn Hoàng Chống Mạc, lập dược nhiều chiến công. Ngài được đặc cách tấn phong: Thượng tướng Cẩm Y Vệ Chánh dinh Chưởng cơ (tướng chỉ huy quân Cấm vệ ở phủ Chúa), được mang tước Lực Tài Hầu.
Được cha giao trách nhiệm chiêu mộ dân binh khai hoang lập làng, ngài Ngô Lực đã cùng 11 vị khai canh của các Họ: Lê Diên, Lê Trọng, Lê Viết, Lê Đô, Nguyễn Diên, Nguyễn Thanh, Nguyễn Viết, Phùng , Phan, Đặng, Trần, khai phá lập làng Ôn Tuyền thuộc huyện Tư Vinh. Sau đó đổi tên thành làng Thanh Tuyền. Đến năm Cảnh Hưng nguyên niên ( Canh thân 1740 ) một bộ phận con cháu các Họ tiếp tục khai hoang vùng đất cao giáp độn Sầm phát triển thành Thanh Tuyền thượng.
  Do có công phò chúa Nguyễn và trung hưng nhà Lê, có công chiêu mộ dân binh lập làng, ngài Ngô Lực được các triều nhà Nguyễn từ vua Duy Tân đến Khải Định đều có sắc phong :
  “Khai canh Đặc Tấn Phụ Quốc,Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ Chánh Dinh Chưởng Cơ, Lực Tài Hầu Ngô Quý công. Trước phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng Đoan Túc Tôn Thần”
  Về gia thất, ngài Minh Triết có một phu nhân, sinh tam lang và hai ái nữ:  Vợ là Lực phu nhân quý nương, lấy tước hiệu của chồng .
Các con :   Ngô Bàng. Ngô Khê. Ngô Bạc. Đệ nhất Ngô quý nương, Đệ nhị Ngô quý nương.
Đến nay, cháu chắc của ngài Ngô Lực đã phát triển đến thế thứ 20, 21. Là một trong những Họ có con cháu nhiều nhất làng.
Ngài Ngô Lực tạ thế vào ngày 12.5 niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577). Húy kỵ ngài vào ngày 11,12.5.âm lịch. Trước đây lăng mộ ngài  táng ở xứ Vịnh Mộc , năm 1987 thiên di về an táng trước nhà thờ họ Ngô Thanh Thủy Thượng.

Đệ tam lang Ngô Điêu:
Ngài Ngô (Viết) Điêu là tiền khai canh làng Lang Xá. Làng Lang Xá trước đây có tên Lê Xá gồm có ba ấp : ấp Lang Đặng, ấp Bầu Chơn, ấp Cha Đôi thuộc huyện Tư Vinh phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa. Ngày nay làng Lang Xá gồm Lang Xá Bầu, Lang Xá Cồn, thuộc xã Thủy Thanh, Lang xá Vực thuộc phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngài Thủy Tổ họ Ngô Lang xá đã có công lao to lớn giúp chúa Nguyễn Hoàng chống nhà Mạc, đánh Chiêm Thành, xây dựng trấn Thuận Quảng. Ngài cùng con cháu khai phá lập làng, khai sinh ra làng Lang Xá. Ngài được nhà Nguyễn sắc phong:
 “Tiền khai canh Ngô Viết Đại lang Tôn Thần, nguyên tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh phò, tặng Đoan Túc, gia tặng Quang Ý Trung Đẳng Thần.”
Ngài Ngô Điêu mất vào ngày 26.11 năm Ất sửu đời Vĩnh Tộ thứ 7 (1625). Mộ phần của ngài táng tại sông Ngư, cách cầu Vực- Thủy Phương khoảng 300m về hướng tây nam. Tại chùa Lang Xá ở cánh hữu có miếu thờ ngài: “Khai canh Ngô Viết Đại lang”, hàng năm húy kỵ của ngài do làng cúng tế.
                                                                                
III KẾT LUẬN
Qua hơn 500 năm phát triển (1502-2012), con cháu của ngài Bổn Thổ Thành Hoàng Phù Bài đã sinh sôi nảy nở thành nhiều hệ phái, cư trú ở nhiều làng xã khác nhau , nhưng Tổ tiên đã  căn dặn các thế hệ hậu duệ phải ghi nhớ nguồn gốc của mình:
“ Phù Bài, Thanh Thủy, Xá tam lang
Khai canh ba xã sắc phong thần,
Khởi nguyên một cội chung truyền thống
Nguyên Tổ Phù Bài, Ngô Phủ Quân.”
 Như vậy những người họ Ngô ở Phù Bài, Thanh Thủy, Lang Xá đều có chung huyết thống, đều là bà con. Với tinh thần đó, con cháu họ Ngô có truyền thống tốt đẹp: Dù ở đâu những người  mang họ Ngô đều có tinh thần gắn bó, thương mến giúp đỡ nhau, cùng có tấm lòng hướng về quê cha đất Tổ.
 Tự hào là con cháu của những vị võ tướng Khai canh có công “ Giúp nước phò dân”   , trải qua hơn 20 thế hệ, nhiều thời đại đổi thay. Bất cứ thời nào các thế hệ con cháu họ Ngô đều có công lao đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước:   
Ở Phù Bài, cháu đời thứ bảy của ngài Bổn Thổ là Ngô Đại An hiển đạt đại khoa võ làm đến chức  “Thự Vệ Úy An Nghĩa Hầu ”. Từ đó về sau văn cũng như võ đều có người đỗ đạt Cử nhân, Tiến sĩ, giữ nhiều chức trọng quyền cao.
     Ở Thanh Thủy Thượng, cháu đời thứ tư của ngài khai canh giữ chức Cai đội Lai Đức Hầu, cháu đời thứ mười lăm là ngài Ngô Văn Tuyên làm đến chức Phó Quản cơ hàm tứ phẩm. Điều đặc biệt là các ngài khi thành tài đều quan tâm phụng sự Tổ tiên, giúp đỡ con cháu, làm cho gia tộc ngày càng hưng thịnh.
    Ở Lang Xá, ngài Ngô Viết Hòa là cháu nội của ngài Ngô Điêu, tức là chắc nội của ngài Bổn Thổ. Ngài Ngô Viết Hòa là một nhà Nho uyên thâm đã viết Bản Phả vào năm Vạn Khánh 1662. Mặc dù Bản Phả viết tương đối ngắn gọn, nhưng nhờ Bản Phả chữ Hán này, ngày nay chúng ta nắm rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của ngài Ngô Thù. Đặc biệt có Ngô Viết Thụ là một Kiến trúc sư có tầm cỡ quốc tế, ông đã thiết kế xây dựng nhiều công trình nổi tiếng ở trong nước.
      Nhìn chung, con cháu trai gái, nội ngoại đều noi gương Tiên Tổ hiếu thảo vì nước, vì nhà mà học tập rèn luyện, nhiều con cháu họ Ngô đã học tập đạt kết quả tốt: Đạt  giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia, đạt nhiều thành tích trong các kỳ tuyển sinh vào Đại học.
           Vinh dự là con cháu của ngài Bổn Thổ, mỗi chúng ta phải biết sống, học tập, làm việc như thế nào để thể hiện  lòng biết  ơn Liệt Tổ , hiếu kính với dòng tộc. Bản thân mỗi người có ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của Bổn tộc để xứng đáng là con cháu của những vị võ tướng khai canh “Giúp nước phò dân” được lưu truyền trong sử sách..

                                          Thủy Dương, ngày 01 tháng 11 năm 2011
                                                              NGÔ VĂN PHỐ
                     Nguyên giáo viên Lịch Sử trường THPT Hương Thủy
            
BẢN DỊCH SẮC PHONG DUY TÂN CỦA NGÀI BỔN THỔ PHÙ BÀI

 Dịch âm
Sắc chỉ
Thừa Thiên phủ, Hương Thủy huyện, Phù bài xã.
Tùng tiền phụng sự Bổn Thổ Thành hoàng Ngô Phủ Quân Tuấn Lương Dực Bảo Trung Hưng linh phò tôn thần.
Tiết kinh phân cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự, Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ, kinh phân bửu chiếu đàm ân lễ long đăng trật, đặc chuẩn y cựu phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thần tự điển.
Khâm tai
Duy Tân tam niên, bát nguyệt, thập nhất nhật.
Dịch nghĩa
Sắc lệnh cho:
Xã Phù  Bài, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên
Theo trước đã phụng thờ Bổn Thổ Thành hoàng Ngô Phủ Quân Tuấn Lương Dực Bảo Trung Hưng linh phò tôn thần.
Đã nhiều lần sắc phong chuẩn theo thờ tự đời Duy Tân năm thứ nhất, nhân đại lễ tấn quang, lấy ơn vua trong lễ long trọng ấy để thăng thêm. Chuẩn theo cũ và ghi nhớ Quốc khánh mà lo việc mãi mãi phụng thờ.
Kính thay.                   Ngày 11 tháng 08 Duy Tân năm thứ ba. (24.09.1909)


BẢN DỊCH SẮC PHONG KHẢI ĐỊNH CỦA NGÀI BỔN THỔ PHÙ BÀI

 Dịch âm
Sắc
Thừa Thiên phủ, Hương Thủy huyện, Phù bài xã.
Tùng tiền phụng sự Bổn Thổ Thành hoàng Ngô Phủ Quân tôn thần. Nguyên tặng Tuấn Lương Dực Bảo Trung Hưng linh phò tôn thần.
Hộ quốc tí dân nẫm trước linh ứng, tiết mông phân cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự.
Tứ kim chánh trực trẩm tứ tuần đại khánh tiết kinh phân bửu đặc chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Trước gia tặng : Quang Ý trung đẳng thần, đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.                                 Khâm tai
Khải Định Cửu niên thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật
Dịch nghĩa
Sắc phong cho:
Xã Phù  Bài, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên
Theo trước đã phụng thờ Bổn Thổ Thành hoàng Ngô Phủ Quân Tuấn Lương Dực Bảo Trung Hưng linh phò tôn thần.
Vì đã có công giúp nước phò dân lâu ngày , rõ ràng có sự linh ứng, đã nhiều lần ban cấp sắc phong theo đó để phụng thờ. Nay nhân ngày Đại khánh tiết 40 của trẫm do đó lấy ơn vua trong lễ long trọng ấy để thăng trật thêm.
Gia tặng thêm: Quang Ý trung đẳng thần. Chuẩn theo cũ và ghi nhớ Quốc khánh mà lo việc mãi mãi phụng thờ.
Kính thay
Ngày 25, tháng bảy, Khải Định năm thứ chín.(27.08.1924)

  Thủy Dương 01.11.2013
       NGÔ VĂN PHỐ.
                                                                                             
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA NGÀI BỔN THỔ THÀNH HOÀNG LÀNG PHÙ BÀI NGÔ PHỦ QUÂN Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng