Những sắc phong tại nhà thờ Nhánh Năm- Chi Nhất- Phái Nhất- Họ Lê Bá-Thúc-Quý.
Tại làng Thanh Thủy Thượng, ngoài các vị Khai canh ở các nhà thờ Họ được sắc phong, gia đình trong làng được triều đình phong kiến sắc phong có số lượng rất ít (4). Những người làm quan có hàm tứ phẩm trở lên mới được sắc phong. Tuy nhiên các gia đình này không còn lưu giữ được vì sắc phong bị cháy qua các cuộc chiến tranh, có gia đình phải phục dựng lại để phụng thờ. Tại nhà thờ Nhánh Năm- Chi Nhất- Phái Nhất- Họ Lê Bá-Thúc-Quý không những bảy bản sắc phong được bảo quản cẩn thận mà còn nhờ Trung tâm Bảo tàng Huế dịch thuật và treo trang trọng trên tường phía sau bàn thờ.
[caption id="attachment_4720" align="aligncenter" width="500"]
Sắc phong triều Tự Đức năm thứ 29 của ngài Lê Trọng Sâm[/caption]
Ngài Lê Trọng Sâm thế 12 Chi Nhất- Phái Nhất Họ Lê Bá-Thúc-Quý làm quan dưới triều Tự Đức với chức vụ Cấm binh Phó Vệ Úy được sung làm Quản Đốc cửa Tư Hiền. Triều Tự Đức năm thứ 29 ngày 14 tháng Giêng (1869), ngài được phong làm Anh Dũng tướng quân, Vệ úy thuộc Cấm binh, nhưng vẫn giữ chức Quản Đốc cửa Tư Hiền do có thành tích:
“Nặng lòng hồ thỉ, Ôm tài lược thao.
Nơi giao tranh võ nghệ siêu quần, có công truy tùy súy phủ
Trong nhung trướng quân vụ quyết đoán, gắng sức huấn luyện sư đồ.
Thủy chung giữ tiết, sau trước chăm lo.
Có tài điều khiển, Theo phép thưởng công…”
Sắc phong triều Tự Đức năm thứ 32 của ngài Chưởng Vệ Lê Trọng Sâm |
Đến năm 1879 Tự Đức thứ 32 ngày 15 tháng Giêng ngài Lê Trọng Sâm được phong thực thụ là Hùng Uy tướng quân Chưởng Vệ nhưng vẫn trông coi các Vệ thuộc Kinh tượng với các thành tích:
“Hồ thỉ nặng lòng- can tương tài lớn.
Chất chứa tài thao lược, xông pha đánh dẹp
Tâm tiếng vang võ ban, đỉnh vạc khắc tên.
Ngày đêm chẳng nghỉ- Sau trước chăm lo.
Nay cơ nghiệp an bình nhàn hạ. Việc võ nào dám quên.
Chỉ có ngươi thành thạo việc binh, mãi chăm lo huấn luyện.”..
Như vậy, đến năm 1879 ngài Vệ Úy Thự Chưởng Vệ Kinh tượng Lê Trọng Sâm là người trông coi các Vệ thuộc Kinh tượng. Là Hùng Uy tướng quân Chưởng Vệ đứng đầu quân Kinh tượng của triều Tự Đức. Nhờ uy đức của Ngài, trai tráng của làng Thanh Thủy Thượng được ưu tiên tuyển mộ vào lính Kinh tượng rất nhiều. Lịch sử làng Thanh Thủy Thượng lưu lại rằng: vua Tự Đức đã có kế hoạch lập lăng mộ tại dãy Tam Sơn làng Thanh Thủy Thượng. Vua đã cho xây dựng một bến nước bằng đá ( Bến Quan ) để tập kết vật liệu xây dựng, tiến hành khởi công. Dân làng cho rằng nếu vua lập lăng mộ trên dãy Tam Sơn thì linh khí của làng không còn nữa. Do đó làng lấy cớ dân TTT chủ yếu là lính tượng binh, vua không thể ở với lính giữ voi. Vì thế lăng Tự Đức được chuyển lên xây dựng ở phường Thủy Xuân hiện nay.
ắc phong của ngài Phó đội ngũ đội thuộc nhị đội Kinh tượng Lê Trọng Nhiễu là ông nội của ngài Kinh tượng Chưởng Vệ Lê Trọng Sâm |
Thời phong kiến một người làm quan không những Làng Họ được nhờ mà ông nội, bà nội, cha mẹ đều được triều đình ghi nhận công lao nuôi dưỡng, vì triều đình quan niệm:
“ Ngày xưa tích thiện làm lành, không sáng đẹp tất chẵng truyền lâu.
Tiên vương ban ân theo bậc, khởi từ cha kéo dài đến tổ,
Vấn khởi từ nguồn , mà theo thứ tự…”
Ngài Phó đội ngũ đội thuộc nhị đội Kinh tượng Lê Trọng Nhiễu là ông nội của
ngài Kinh tượng Chưởng Vệ Lê Trọng Sâm được triều Tự Đức ban tặng Tín Nghĩa Đô Úy Phó Quản Cơ.
Sắc phong của bà Ngô Thị Tuyết là bà nội của Chưởng Vệ Kinh Tượng Lê Trọng Sâm |
Bà Ngô Thị Tuyết là bà nội của Chưởng Vệ Kinh Tượng Lê Trọng Sâm được triều đình ghi nhận:
“Hiền đức dịu dàng, từ tâm hiếu nghĩa.
Không cần rườm rà, tốt ở nơi phong tặng- Phải nên rằng kính trọng vị ban cấp.
Việc nhà chăm lo noi theo tiên tổ.- Gây phúc bền vững sinh được cháu hiền…”
Triều Tự Đức năm thứ 33 phong tặng: Tòng tứ phẩm Cung nhân.
Sắc phong của ngài Lê Trọng Biện là cha của Phó Vệ Úy Lê Trọng Sâm |
Năm 1872 triều Tự Đức năm thứ 25 ghi nhận công lao của ngài Lê Trọng Biện là cha của Phó Vệ Úy Lê Trọng Sâm:
“Giữ trọng nề nếp- Hưởng được đức xưa
Trị nhà lấy việc thiện làm vui
Dạy con mang điều nghĩa làm phép
Nay phúc đã tích nhiều- khiến con làm quan giỏi”…
Vì vậy đã được vua ban tặng Tín Nghĩa Đô Úy Phó Quản Cơ thụy là Tráng nghĩa.
Sắc phong triều Tự Đức năm 33 của ngài Lê Trọng Biện là cha của Chưởng Vệ Lê Trọng Sâm |
Năm 1880 triều Tự Đức năm thứ 33 tiếp tục ghi nhận công lao của ngài Tín Nghĩa Đô Úy Phó Quản Cơ Lê Trọng Biện là cha của Chưởng Vệ Kinh Tượng Lê Trọng Sâm:
“Lấy thiện trị gia tiếng khen khắp thôn xóm
Con hiền dựng nghiệp rực rỡ ở nước nhà
Tạo được kẻ tài năng- Sinh ra người tài giỏi…”
Ngài Tín Nghĩa Đô Úy Phó Quản Cơ Lê Trọng Biện được sắc phong gia tặng: Phấn Dũng tướng quân Cấm Binh Phó Vệ Úy, tên thụy là Anh Mại.
Sắc phong của Bà Lê Thị Vào là mẹ của Chưởng Vệ Kinh Tượng Lê Trọng Sâm |
Bà Lê Thị Vào là mẹ của Chưởng Vệ Kinh Tượng Lê Trọng Sâm cũng được triều Tự Đức ghi nhận :
“Giúp chồng nêu đức. Dạy con ra công
Bốn phương hồ thỉ đúng lúc lập thân dương danh
Vạn dặm kiếm cung gắng sức giữ gìn trung tín
Sinh được con tài- Do người đức lớn…”
Bà Lê Thị Vào là mẹ của Chưởng Vệ Kinh Tượng Lê Trọng Sâm được sắc phong là:Tòng Tam phẩm thục nhân. Ban cho cáo mệnh.
Một dân tộc biết giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quốc gia thì đất nước đó sẽ hưng thịnh. Một gia tộc biết gìn giữ và nêu gương cho con cháu học tập những giá trị tốt đẹp của ông cha thì gia tộc đó sẽ ngày càng phát triển.
Những sắc phong tại nhà thờ Nhánh Năm- Chi Nhất- Phái Nhất- Họ Lê Bá-Thúc-Quý là những tư liệu quý để bổ sung vào lịch sử làng Thanh Thủy Thượng.
Lê Bá Máy- Ngô Văn Phố
0 Comments:
Post a Comment