Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Lễ cúng Đầy tháng ở làng Thanh Thủy Thượng.



LỄ CÚNG ĐẦY THÁNG Ở LÀNG THANH THỦY THƯỢNG

Theo phong tục ở làng Thanh Thủy Thượng thì khi trẻ con được sinh ra tròn một tháng sẽ được bố mẹ làm lễ tạ ơn đất trời vì “mẹ tròn con vuông” và sau là để trình diện họ hàng nội ngoại về thành viên mới trong gia đình nhằm mong muốn mọi người đón nhận, yêu thương và che chở cho bé trong chặng hành trình dài sau này. Ở làng Thanh Thủy Thượng có lệ “con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng”- thông thường khi sinh đứa con đầu lòng, con gái thường có nguyện vọng về nhà mình để sinh và được bố mẹ ruột chăm sóc. Cho dù sinh ở đâu thì việc tổ chức lễ đầy tháng vẫn do nhà trai chủ động, cùng bàn bạc thống nhất với thông gia nhà gái và các con để lễ đầy tháng của cháu diễn ra hoàn mãn.


 Tính mốc đầy tháng cho con trẻ

Theo cách tính truyền thống, ngày đầy tháng của trẻ sơ sinh được căn cứ vào lịch âm và tùy thuộc vào giới tính của đứa bé. Theo đó, nếu là bé gái sẽ lùi lại 2 ngày và nếu là bé trai sẽ lùi lại 1 ngày như cách ông bà xưa vẫn nói “gái trụt hai, trai trụt một”. Chẳng hạn, nếu bé sinh vào ngày Mồng Một tháng Năm âm lịch thì ngày cúng đầy tháng sẽ là ngày 29/5 âm nếu đó là bé gái. Nếu là bé trai thì ngày cúng đầy tháng sẽ là ngày 01/6 âm ( tháng Năm Bính Thân thiếu, chỉ 29 ngày). Thông thường, lễ này được thực hiện vào khoảng 10 sáng , sau đó bà con nội ngoại dùng chén rượu thân mật chúc mừng cháu.
Ngày nay, các bố mẹ thường căn cứ ngày sinh của con dựa trên lịch dương và ngày cúng đầy tháng cũng theo nguyên tắc “gái trụt hai, trai trụt một” vào tháng sau. Ví dụ như sinh vào ngày 05/6/2016 thì con gái sẽ đầy tháng vào ngày 03/7/2016, con trai sẽ đầy tháng vào ngày 04/7/2016.


.Cách sắp bàn cúng
Mâm cúng đầy tháng được chia làm 2 bàn: 1 bàn thượng  và 1 bàn hạ cách nhau khoảng 10 phân.

Lễ vật cúng kính Đức ông ( bàn Thượng):
Một con gà luộc, bát xôi đầy có ngọn, một miếng thịt quay, trầu cau, rượu và đồ hàng mã (giấy tiền, áo mão). Ở TTT có thêm một dĩa xôi nắm gồm nhiều màu khác nhau ( con trai 7 nắm con gái 9 nắm),  cúng xong nhiều cô xin ăn một nắm xôi này gọi là “cắp chóp” (tức là hưởng cái phước của Mụ để có thể mau có con hoặc có con trai)

Theo quan niệm dân gian mâm cúng được sắp xếp theo nguyên tắc “Đông hoa Tây quả” tức là ở phía đông đặt bình hoa còn phía tây đặt nãi chuối hay dĩa trái cây.

Lễ vật cúng Bà Mụ (bàn Hạ):

Mâm cúng có đủ 12 chén chè nhỏ và 12 dĩa xôi, được xếp hai hàng hai bên, ở giữa có mâm cơm hoặc bún bánh tùy gia chủ. Cùng với các lễ vật này còn có thêm một bình trà, rượu, hương, đèn, nước, gạo, muối, cua trứng, muỗng và không thể thiếu một đôi đũa hoa (đũa được vót ngược đầu và có bông trên đầu đũa) vì theo quan niệm dân gian, bà chúa chỉ thích dùng đũa này.
Ngày xưa, người làng Thanh Thủy Thượng hay nấu cháo bánh canh cá lóc hoặc thịt vịt để trước cúng sau cấp.

 Nghi lễ cúng đầy tháng cho bé
Các cụ thường cho rằng, mỗi một đứa trẻ khoẻ mạnh ra đời là công lao rất lớn của các bà Mụ. Đây là người có công nặn và giúp mẹ tròn con vuông. Đây cũng là nghi thức để ra mắt một thành viên mới trong gia đình với họ hàng, bà con trong dòng tộc.
Sau khi đặt hết lễ vật lên trên bàn cúng thì 1 người lớn trong gia đình, dòng họ (ông, bà, bố, mẹ) sẽ đại diện 1 người lên thực hiện nghi lễ thắp nhang và khấn.

Bài khấn:

“Hôm nay, ngày (mùng)… tháng… (âl), ngày cháu (nội hay cháu ngoại… ) họ, tên… tròn 1 tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật này, cung thỉnh Đức Ông và  Bà Mụ trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu (tên… ) mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền ngoan, thông minh, học giỏi; phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc”.

Sau khi nguyện cầu  điều tốt lành đến với đứa trẻ, người chủ lễ sẽ tiếp tục nghi thức đặt tên cho cháu: Ngày nay, khi sinh trẻ ra, mọi người thường đặt tên con ngay để làm các thủ tục khai sinh. Tuy nhiên, ở TTT các gia đình vẫn còn giữ tục này như một truyền thống gia tộc, đặt tên cho trẻ tùy thuộc bố mẹ cháu chọn, nhưng thông qua ông bà, tránh những tên Tổ tiên đã có trong Gia phả.

Xin Keo: Theo đó, chủ lễ sẽ lấy 2 đồng tiền cổ làm bằng đồng đỏ và gieo vào một chiếc đĩa sâu lòng. Nếu có một mặt úp, một mặt ngửa thì chứng tỏ cái tên đã được tổ tiên chứng giám và ưng thuận. Ngược lại, nếu đều là 2 mặt úp hoặc 2 mặt ngược thì phải tiến hành gieo đồng tiền này lại. Nếu đã 3 lần mà vẫn chưa được thì  đặt tên khác cho trẻ, tên này thường được gọi trong gia đình.


 Nghi thức khai hoa 
Nghi thức khai hoa hay còn gọi là nghi lễ “ khai khẩu”. Để thực hiện phép khai khẩu, đặt một thau nước  sạch để giữa nhà bỏ cây đinh nung đỏ vào cho khói bay ra, Đứa trẻ được chủ lễ bồng, vái Bà Mụ xin phép bắt miếng. Xong bồng đứa trẻ một tay, tay kia nhúng một ngón tay vào thau nước rồi quẹt trên hai môi cháu bé và đọc những lời cầu chúc mang ý nghĩa tốt đẹp “Mở miệng ra cho có bông, có ba Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ, Mở miệng ra cho có bạc, có tiền. Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến…”

Ngày xưa, dân làng TTT thường lấy nước ở chính giữa lòng chiếc thuyền, sau khi thả chiếc đinh đang nóng đỏ khói trắng bốc lên thì chủ lễ lấy nước trong thau giọt vào miệng cháu bé 3 giọt với ý nghĩa vừa khai hoa cho cháu bé, vừa mong sao sau này cháu đi xe thuyền khỏi bị say xe. Ngày nay không còn dùng nước giữa lòng thuyền nữa .


Tục làm phép kết thúc thời gian ở cữ

Để thực hiện phép kết thúc thời gian ở cữ cần một thau  để giữa nhà, trong thau có chiếc chổi và một số nhánh cây gai bốm, đốt chổi lên  cho khói bay ra, mẹ bước qua bước lại. Nếu là con trai thì bước 7 lần, nếu là con gái thì bước 9 lần. Sau đó những đồ trong thau được người nhà cho vào chiếc nón cũ kèm với năm miếng cau trầu, đưa phong long ra tại một ngã ba hay ở góc đường. Xong lễ, mẹ và con có thể đi xung quanh nhà được, không bị bạn chế các phòng trong gia đình cũng như người mẹ có thể đi ra ngoài đi chợ.

Lần đầu tiên đi chợ thì mua một bịch muối, gạo mở hàng và bố thí cho người nghèo một ít tiền với mục đích cầu mong con sinh ra được cơm ngon áo ấm, dư dả sau này.

Sau cùng, khi gần hết một cây nhang, gia chủ rót trà, khấn vái cảm tạ ơn trên, mang vàng mã đi đốt, vẩy rượu gạo, muối, kết thúc nghi lễ.


Nghi lễ đầy tháng kết thúc, mọi người trong gia đình, họ hàng ăn uống sum vầy, gửi quà và những lời chúc tốt đẹp, may mắn cho con cháu bé. Hoàn tất tiệc đầy tháng.

Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ

Nguu Lequy‎ đến Nguyen Tri Ngo

3 Tháng 7 2016 · Huế ·

Tôi có đọc bài nói về tập tục đầy tháng của bác đăng trong trang web Thanh Thuỷ Thượng. Thật công phu, hay lắm. Xin tán thán!
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Lễ cúng Đầy tháng ở làng Thanh Thủy Thượng. Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng