Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Quan Chấp lệnh trong tang lễ ở làng Thanh Thủy Thượng

   


Làng Thanh Thủy Thượng  từ xưa đến nay vốn rất tôn trọng lễ giáo. Những lễ nghi trong sinh hoạt văn hóa, về luân thường đạo lý trong xã hội giữa cá nhân, gia đình, trong Họ Tộc , giữa làng xóm …đã đi sâu vào nếp sống của mọi người và trở thành những tục lệ cỗ truyền được mọi gia đình trong làng tôn trọng . Những phong tục này đã thoát ra ngoài khuôn khổ tôn giáo, mang tính chất văn hóa truyền thống, phù hợp với mọi tín ngưỡng . Sinh hoạt của một xã hội nông nghiệp làng xóm vốn nặng tình cảm, coi trọng huyết thống gia đình thân tộc. Nên từ xa xưa, vấn đề tang lễ đã được đặt ra một cách có quy củ , chu đáo và cẩn thận. Các nghi thức về tang lễ, tang chế đều dựa theo các nguyên tắc luân lý và đạo đức của nền văn hóa ấy. Lâu ngày, các định lệ này đã thành ra tục lệ với những biến thể phù hợp với nếp sống của dân làng. Để giữ gìn bản sắc đặc trưng của làng, để tạo điều kiện thuận lợi cho những vị được Họ cử làm Quan Chấp lệnh, chúng tôi tập hợp những công việc của Quan Chấp lệnh ở làng TTT thường làm, kính mong quý vị đóng góp thêm để việc làm Chấp lệnh được chu toàn hơn..


1.Vai trò: Quan chấp lệnh là người hiểu biết nghi lễ, điều hành tang lễ trong suốt thời gian tang chế. Mọi người trong hàng tang quyến phải nghiêm túc chấp hành, vì lúc “ tang gia bối rối ” nên không sáng suốt để điều hành công việc , mọi nhu cầu hoặc ý kiến đều trao đổi trình bày với Quan chấp lệnh. Do vậy, việc tổ chức tang lễ thành công viên mãn có phần đóng góp quan trọng của Quan Chấp lệnh.

2.Mời Quan Chấp lệnh: Khi có con cháu, o dượng qua đời, gia đình cử người đại diện đem 5 miếng cau trầu, rượu đến nhà thờ Họ để trình báo . Nếu là con trai, dâu, con gái chưa chồng hoặc những người đi lấy chồng nhưng đã hồi tôn thì  xin Quan Chấp lệnh. Trường hợp không có mặt bác Tộc trưởng, chú từ thay mặt Họ nhận lễ rồi báo lại cho Tộc trưởng biết để cử Quan Chấp lệnh và tổ chức đi điếu.

3.Đề cử Quan Chấp lệnh: Quan Chấp lệnh được Tộc trưởng đề cử, là người đại diện Bổn Tộc cầm lệnh để điều hành tang lễ. Vì thế người được đề cử làm Quan Chấp lệnh phải chững chạc, lịch thiệp, ứng xử khéo léo trong mọi tình huống.

4.Lễ Hưng Tác: Trước khi chính thức cầm lệnh, người được Họ đề cử phải làm lễ Hưng Tác để tác bạch với trời đất.

Lễ vật gồm: Hoa quả, trầm trà, cau trầu rượu. Giấy tiền, giấy trắng, áo binh,  hột nổ -gạo –muối, cháo trắng. Kiểng lệnh đặt trên bàn ở vị trí thuận lợi để khai lệnh. Người được đề cử làm chấp lệnh thắp nhang vái ba vái, pha 1/3 ly rượu, lạy 2 lạy, quỳ xuống đọc lời khấn:

    “Kính cáo: Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần,  Thổ thần khuôn viên, ngũ tự gia thần, nội gia cư trạch, ngoại gia cư viên. Hôm nay là ngày….tháng…năm…Tôi tên là…..tuổi…được Bổn Tộc cử đến làm chấp lệnh cho hương linh… …. ở tại…..từ ngày…. đến ngày….Kính xin quý Ngài phò hộ độ trì cho tôi chấp lệnh điều hành tang lễ hoàn thành viên mãn.”

Cáo xong, thêm rượu tuần 2:  vái 3 vái lạy 2 lạy. Thêm rượu tuần 3: vái 3 vái lạy 4 lạy. Lạy xong cầm đùi đánh kiểng quay ngang vái 3 vái. Bước đến bên kiểng đánh 3 hồi 3 tiếng.

Lễ Hưng Tác đã xong, người phụ lễ pha trà và đốt giấy. Chủ lễ vào vái tất.

5.Quy tắc đánh kiểng:


 a.Các nghi lễ trong đám tang: Đánh 3 hồi 3 tiếng.

Đám tang có một số lễ cúng như: Lễ Nhập quan, Lễ Khai kinh bạch Phật, lễ Thành phục, Cúng cơm, lễ yết cáo từ đường (trình với tổ tiên ngày mai đến ở chỗ mới), triều điện (lễ buổi sáng), Cúng Thí thực, Lễ Cầu Siêu , tịch điện (lễ buổi tối). Đêm trước ngày mai đưa linh cữu về nơi an nghỉ cuối cùng có lễ nhiễu quan. Lễ nhiễu quan là lễ đi quanh hòm, để tỏ sự luyến tiếc lần cuối đối với người chết. Lễ cáo đạo lộ là lễ trình xin đường với thần giữ đường ngày mai đưa đám, đặt bàn có hương hoa và vật phẩm , cáo ở đường lộ gần nhà (lễ này cáo ban đêm, chủ lễ là người không bịt khăn tang). Sáng ngày di quan có lễ Khiển điệnlễ Triệt linh sàng, lễ An táng.

Khi hạ huyệt, Chấp lệnh hồi kiểng nhẹ nhàng theo quan tài đang hạ huyệt.


b.Lệnh kiểng các trường hợp phúng điếu: để làm lễ khi có người đến phúng điếu được phân biệt rõ :
- Ba hồi lệnh và ba đùi ( ba tiếng) : Dành cho đại diện của các đơn vị lớn như Làng, Họ, Xóm ; hoặc đại diện của các cấp chính quyền địa phương , các tổ chức chính trị - xã hội ....
- Một hồi lệnh và ba đùi ( ba tiếng) :- Dành cho Phái , Họ Chạp , thông gia  có mâm cau trầu rượu hoặc ai có mâm lễ vật .
- Ba đùi ( ba tiếng ) : Là dành cho tình làng nghĩa xóm , bạn hữu , bà con nội ngoại phúng điếu với tư cách cá nhân, riêng lẻ khi đi theo đoàn.
Chỉ cần nghe tiếng kiểng lệnh là phân biệt được ai đang phúng điếu.


6.Treo Triệu:

Ở làng Thanh Thủy Thượng đa số dân làng theo đạo Phật, vì thế thiết kế bàn thờ theo “Tiền Phật hậu linh”. Quan tài và bàn thờ hương linh thường đặt sau bàn Phật. Khi vào viếng lễ, khách lễ Phật trước sau đó lễ linh. Khách thấy Triệu treo vị trí nào thì đứng bên phía đó lạy vào. Việc treo Triệu theo quy tắc:  “Nam tả Nữ hữu” ở vị trí trong nhà nhìn ra. Vì thường nhầm lẫn về tả hữu do vị trí đứng nên các Thầy quy định Nam treo bên chuông, Nữ treo bên mõ.


7.Treo liễn:

Nguyên tắc treo liễn: “Tả trước Hữu sau, Trong trước Ngoài sau, Lớn trước Nhỏ sau” . Vận dụng nguyên tắc này, ở làng Thanh Thủy Thượng, liễn của Họ nội được treo bên phần tường phía chuông, liễn Họ vợ treo bên phía mõ. Trường hợp hương linh từ  90 tuổi trở lên, cựu trưởng Tộc…có  làng đi đám thì bức nghi của làng nằm giữa bức liễn của 2 Họ.

Việc treo nghi, liễn, vòng hoa thường do người lớn tuổi trong nhà xếp đặt. Nếu có yêu cầu giúp đỡ thì Quan Chấp lệnh theo nguyên tắc trên mà vận dụng.


Dân làng Thanh Thủy Thượng quan niệm “Nghĩa tử là nghĩa tận” vì thế việc tổ chức tang lễ hoàn thành tốt đẹp được coi trọng. Trong thực tế, không phải gia đình nào anh em cũng hòa thuận, quan điểm tổ chức tang lễ mỗi người con một ý. Chính lúc này vai trò của Quan Chấp lệnh là người hòa giải thống nhất được ý kiến của mọi người để làm tròn hiếu sự.

Tổ chức được một đám tang nặng tình hiếu đạo, nghi lễ trang nghiêm, con cháu thuận hòa là một nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong thành công  đó, Quan Chấp lệnh đóng góp một phần rất quan trọng.

Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Quan Chấp lệnh trong tang lễ ở làng Thanh Thủy Thượng Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng