Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Dựng cây Nêu đón Tết Ất Mùi tại đình làng Thanh Thủy Thượng



DỰNG CÂY NÊU ĐÓN TẾT ẤT MÙI

TẠI ĐÌNH LÀNG THANH THỦY THƯỢNG

Ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Ngọ (11.02.2015) Ban Khánh tiết và Thập Nhị Tộc trưởng làng Thanh Thủy Thượng đã phục dựng cây nêu tại đình làng để đón Tết Ất Mùi theo nghi thức cổ truyền.


Trước đây khi năm hết Tết đến, làng Thanh Thủy Thượng thường dựng cây nêu ở đình làng từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày mùng 7 Tết thì hạ xuống, với mong muốn xua tan vận hạn năm cũ, cầu may mắn và tốt lành trong năm mới.









  Theo truyền thuyết dân gian thì nguồn gốc lễ dựng nêu thiên về Phật giáo. Ngày xưa quỷ thường chiếm đất đai của con người, Phật phải ra tay giúp đỡ. Với thần thông vô biên, Phật đã đẩy lùi được ma quỷ, nhưng lại khiến cho quỷ không có đất kiếm ăn, nên phải cầu khẩn Phật cho biết chỗ đất nào không phải là của Phật. Phật mới bảo ở đâu có chuông, khánh, phướn là đất của Phật.  Vì thế Phật mới dạy dân dựng cây tre cao, trên đó có treo chuông, khánh, phướn trồng ngay trước nhà, đồng thời rải vôi dánh dấu, vẽ hình cung tên làm giới hạn. Cây tre càng cao bóng tỏa càng rộng, quỷ càng xa lánh. Treo khánh hoặc chuồng trên cây nêu để mỗi lần có gió thì phát ra tiếng tất làm quỷ sợ hãi. 



Cây nêu được làm bằng tre già dài chừng 10m, chặt tận gốc và để lại phần lá phía trên ngọn. Treo lên ngọn nêu có chuông hoặc khánh, một chiếc sọt có các loại lễ phẩm gồm cau trầu, giấy vàng bạc để cúng thần, cành đa và lá dứa gai (Cành đa tượng trưng cho cành lộc, lá dứa gai để trừ ma quỷ). Từ ngọn nêu còn treo phướn đỏ dài, trên phướn có câu đối thể hiện ước nguyện của làng có nội dung mong cầu thời tiết thuận hòa, quốc thái dân an, năm mới có nhiều thành tích hơn, mọi công việc đều tốt đẹp:
"Thời hòa quốc thái, Thành tích tăng.
Tiết thuận dân an, Vạn sự thành "



Cây nêu thường được làng dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời, với quan niệm rằng chính vì từ ngày này cho tới đêm giao thừa, vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu.

Những ngày Tết, khi đã dựng nêu lên là người ta không màng gì đến công việc nữa mà chỉ yên tâm ăn Tết. Đến hết mùng 7  hạ nêu, con người lại trở về với cuộc sống hàng ngày.

Dựng nêu ngày tết bao gồm các dụng ý để trừ ma quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, tảo trừ những điều xấu xa của năm cũ, đón chào những điều tốt lành của năm mới. Cây nêu còn có ý nghĩa đánh dấu chủ quyền và đất đai của làng,

Ngày xưa, khi trình độ hiểu biết của con người về tự nhiên còn thấp , thần thánh ma quỷ còn ám ảnh nặng nề trong cuộc sống thường ngày thì tục trồng cây nêu ngày Tết có giá trị đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người dân quê, giúp cho họ yên tâm, vui vẻ bước vào một năm mới với biết bao mong ước, không sợ ma quỷ tới quấy rầy.


Ngày nay, sự hiểu biết  của con người được nâng lên, việc trồng cây nêu ngày Tết mang một ý niệm mới, là sự kiện đón chào một năm mới tốt lành, mở đầu cho hội vui xuân, …Đây là tục lệ mang vẻ đẹp của truyền thống văn hóa làng xã có từ lâu đời, rất cần được giữ gìn trong xây dựng xã hội mới hiện nay .

Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Dựng cây Nêu đón Tết Ất Mùi tại đình làng Thanh Thủy Thượng Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng