Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Tiểu sử của họ Lê Diên - Làng Thanh Thủy Thượng



TIỂU SỬ

Ngài Khai canh Thủy tổ Họ Lê Diên có gốc từ Thanh Hóa, theo chân Chúa Nguyễn Hoàng năm 1558 vào sống ở Châu Ô, Lý tức Thuận Hóa (tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay)


Thủy tổ húy là Lê Hữu Lễ, thụy “Minh đạo Tiên sinh” vợ là Lê Thị Quý Nương hiệu “Y đức phu nhân”'

Thân phụ của Ngài là Lê Tử Yến Đại Lang, thân mẫu là bà Yến Quý Nương.

Ngài xuất thân từ một quan văn dưới triều đại nhà Lê với chức vụ “Bắc Giang phủ Đồng Tri phủ Lễ nghi hầu” thụy “Minh Đạo Tiên sinh” tước phong “Dực bảo Trung hưng”

Thời gian này đất nước vô cùng rối ren. Năm 1527 Mạc Đặng Dung giết vua Lê Công Hoàng, nổ ra chiến tranh Nam Bắc triều. Năm 1592, Tập đoàn Lê Trịnh diệt họ Mạc thì lại xảy ra chiến tranh Trịnh Nguyễn, chiến tranh Trịnh Nguyễn kết thúc, đất nước lại chia cắt: Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Sau khi Ngài theo chân chúa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa, thấy cảnh sắc nơi đây hữu tình có thể làm an cư lạc nghiệp lâu dài, Ngài bèn chiêu dụ lưu dân lập ấp, khai phá đồi núi và đồng ruộng hoang thành xóm làng trù phú đông vui và khai canh. Họ Lê Diên là người đặt chân chiếm cứ, khai canh đầu tiên rồi sau đó thêm 11 ngài khác đến khai canh và thành lập làng, đã được Chúa Nguyễn Hoàng ban tặng sắc Khai canh, rồi khai sinh ra làng Thanh Tuyền, tổng sư lỗ huyện Phú Vang nay là làng Thanh Thủy Chánh xã Thủy Thanh và làng Thanh Thủy Thượng phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về sau, làng Thanh Tuyền (Thanh Toàn) được đổi tên thành làng Thanh Thủy gồm có 2 giáp, vì chữ Tuyền là tên húy của vua Thiệu Trị (1841-1847). Sau khi Ngài mất ngày 01/6 Âm lịch, thì được tặng “Đoan túc Tôn thần” được cấp tự điền để con cháu thờ phụng, hương khói. Lăng Ngài được tọa lạc tại xứ Vịnh Mộc, làng Thanh Thủy Thượng, đến năm 1978 do quy hoạch xây dựng Công ty Dệt May Huế nên đã di dời lăng Ngài vào ở xứ Bình Đinh tại làng Thanh Thủy Thượng, phường Thủy Dương.

Ngoài ra, do công lao đặc biệt của Ngài, làng thời bấy giờ lập miếu thờ duy nhất của Ngài bên cạnh miếu thờ Bổn thổ Thần Hoàng của làng, gọi là miếu Ngài Khai canh ở tại làng Thanh Thủy Chánh và cũng từ đó lưu truyền mãi mãi về sau, là họ nhất làng.

Đến đời Cảnh Hưng thứ 2 (1742) do làng Thanh Thủy xin được chia thành 2 làng và được sự đồng ý của vua sắc phong thành chánh giáp là làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh và giáp thượng là làng Thanh Thủy Thượng phường Thủy Dương nên họ cũng được chia cắt theo làng từ đây.

Từ khi khai sinh ra họ Lê Diên đến nay, hậu duệ của Ngài đã được 25 thế hệ. Trong đó, ở thế hệ thứ 13 con cháu đông đúc nên họ chia ra làm 3 phái gồm:

  1. Phái nhất gọi là Lê Diên

  2. Phái nhì gọi là Lê Văn

  3. Phái ba gọi là Lê Hữu

Nhưng sau đó do con cháu các phái vẫn lấy chữ lót gốc là Lê Diên để đặt cho con cháu.

Công ơn của Ngài đối với con cháu trong họ và công lao của Ngài trong việc xây dựng họ, làng ban đầu thật là to lớn, sáng chói cho muôn đời sau phải ghi nhớ. Việc tìm hiểu về nguồn gốc, thân thế, sự nghiệp của Ngài là biểu hiện lòng biết ơn sâu sắc, tự hào về Ngài họ Lê Diên của chúng ta.
                                                                Sưu tầm và biên soạn năm 2000, 2009

                                                                bổ sung lại tháng 1 năm Ất mùi (2015)

                                                                            Người viết: Lê Diên Sơn

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tộc phổ của Họ Lê Diên, làng Thanh Thủy Thượng .

  2. Lịch sử Việt Nam từ thời vua Hùng Vương dựng nước dành cho sinh viên Khoa Sử các trường Đại học;

  3. Tộc phổ Triều Nguyễn do Tôn Thất Hanh chủ biên, từ thủy tổ Nguyễn Bặc, quan đại thần của vua Đinh Tiên Hoàng đến vua Bảo Đại;

  4. Ô Châu Cận Lộc do tiến sĩ Dương Văn An biên soạn năm 1953.

  5. Những bài viết của nhà sử học Pháp đăng trên tạp chí Cố đô Huế, đặc biệt là sử gia người Pháp H.Lebreton giới thiệu Cầu ngói Thanh Toàn, viết rất sâu sắc về cấu tạo và hình thành làng Thanh Tuyền với 12 vị khai canh của 12 họ được Chúa Nguyễn Hoàng ban tặng sắc khai canh;

  6. Bài viết năm 1933 đăng trên tạp chí “Tập san Đô thành Huế cổ”

  7. Theo tài liệu Hán Nôm được Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh phiên dịch ra thành tài liệu, băng đĩa bằng chữ Hán và Quốc ngữ như: Sắc phong của một số làng, dòng họ ở Thừa Thiên Huế năm 2012.





  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Tiểu sử của họ Lê Diên - Làng Thanh Thủy Thượng Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng