Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian ở làng Thanh Thủy Thượng



NHỮNG HÌNH THỨC SINH HOẠT VĂN NGHỆ DÂN GIAN Ở LÀNG THANH THỦY THƯỢNG.

Hò ru con :

Điệu hò rất quen thuộc tại Thanh Thủy Thượng là hò ru con. Hò ru con là một loại dân ca có nguồn gốc lịch sử lâu đời, gắn bó với sự hình thành và phát triển làng. Tiếng hát ru con không thể thiếu được bên chiếc nôi mềm, trên đôi bàn tay trìu mến đầy tình thương của người mẹ :

Đố ai ngồi võng không đưa,

  Ru con không hát, đò đưa không chèo. ”

Buổi đầu tiếng hát ru con có tính chất phản xạ, bản năng của người mẹ, dùng để ức chế giấc ngủ và thể hiện tình cảm mẹ con thiêng liêng:

“ À ơi ! con khóc thì mẹ cho bú,

   Con lú thì mẹ ru hời

   Mẹ nuôi con khó nhọc lắm con ơi !

   Mẹ trông con lưng dài vai rộng,

   Để ra lấp biển đào non với đời. ”

Tiếng hát ru của người mẹ Thanh Thủy Thượng hòa lẫn với tiếng khóc chào đời của con như xen lẫn sự vui buồn. Tiếng hát ru con trở thành tiếng hát của lòng mẹ - Người đã mang nặng đẻ đau, khó nhọc nuôi dạy con nên người. Lớn lên ai đã từng xúc cảm với tiếng hát ru mà không nhớ đến công ơn bố mẹ:

Thiên sanh nhơn, hà nhơn vô lục.

   Địa sanh thảo hà thảo vô căn.          

   Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn,

   Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn

   Đôi đứa mình lên non gánh đá để xây lăng phụng thờ. ”

Ngay từ thuở còn nằm trong nôi, những trẻ thơ của làng đã được lời hát ru cũng là những bài học đầu tiên của mẹ dạy con vào đời :

“ Ra đi mạ có dặn lòng,

   Chanh chua mua lấy, ngọt bòng chớ tham. ”

 “ Ra về ngó trước ngó sau,

   Ngó nhà mấy cột ngó cau mấy buồng.”

Trong xã hội phong kiến, việc ép gã con cái trở thành tiếng khóc xé lòng của người con gái phải phụ tình theo tục tảo hôn :

“ Đêm năm canh mơ màng bóng bạn,

   Ngày sáu khắc nhớ nhạn giang trầm.

   Nào ai nhắc tới bạn tri âm,

   Chín lá gan em khô từng chặn,

   Ruột em lại đau ngầm từng khi. ”

Tiếng hát ru con của người mẹ có lúc trở thành tiếng hát tâm tình với chồng con :

“ Chàng ơi phụ thiếp làm chi,

  Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng . ”

“ Mẹ già ăn tấm gạo de,

   Đẻ con tóc quắn đi ve khắp làng…”

Trong những ngày tháng đói khổ, người chồng phải đi làm thuê, ở đợ cho địa chủ, tiếng hát ru của người mẹ trở thành tiếng thở dài thao thức trông đợi bóng chồng:

“ Đêm ơi hởi đêm trông cho mau sáng,

   Ngày ơi hởi ngày tắt nắng cho mau.

   Em trông anh mau ra khỏi cửa nhà giàu,

   Kẻo cơm thừa cá cặn nay đau mai lành. ”

Có những người con làng Thanh Thủy Thượng vì bôn ba cuộc sống, phải xa rời quê hương như những cánh chim bay bốn phương trời để tìm hạt thóc, hạt gạo. Nhưng dù ở đâu họ không bao giờ quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Có những lúc tâm hồn họ quặn thắt nổi buồn ly hương, tiếng hát ru trở thành nổi nhớ quê mẹ thiết tha :

“ Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

  Ngó về quê mẹ ruột đau chín chìu .”

Như vậy, từ thuở lọt lòng mẹ, tiếng hát ru là những giai điệu ngọt ngào êm ái ru giấc ngủ tuổi thơ. Đó là những câu hò chứa đựng những bài học đầu tiên về thiên nhiên vạn vật, về đạo lý làm người, mang dấu ấn sâu sắc tình cảm mẹ con. Dần dần, sống trong sự cùng khổ, tiếng hát ru trở thành nổi lòng thổn thức của người mẹ đối với cuộc đời. Đây là nguồn dân ca vô tận rất phổ biến, có tác dụng sâu sắc đến tình cảm dân làng.

Hò Ô

Khi đạp nước, làm cỏ trên đồng ruộng, người nông dân Thanh Thủy Thượng thích hát điệu Hò Ô:

“ Ô…ô…ô, ô…ô…ô; ô…ồ…ô !

    Chiếc vòng vàng…Ơ..Ờ.., ô…ô…ô…

    Trao qua cho người bạn ngọc..ờ..ơ. ô…ô…

    Thiếp khuyên chàng chớ đổi đừng thay, ô…ô…

    Khác chi con nhện nước …cứ dần dần giăng tơ…

    Ô…ô…ô..”

Trên cánh đồng bát ngát, chỉ có màu xanh cỏ lúa quyện với mây trời. Tiếng guồng xe đạp nước lọc cọc theo nhịp điệu đều đều. Câu hò vang lên dìu dặt, bổng trầm bay vút trong không gian. Có những lúc tiếng hò ô chuyển điệu trở thành nổi lòng day dứt, khắc khoải mênh mang của một thiếu phụ cô đơn trên đồng lúa :

“ Tay em cầm nạm hoa, bông vàng bông đỏ ,

    Tay em cầm nạm cỏ, cây héo cây khô

Tay em bồng một đứa con thơ, dựa cửa trông chàng,

Anh theo vua đi đánh giặc, biết khi mô trở về. ”

Hò giã gạo

Nếu điệu hò ru con và hò ô mang nét buồn man mác, vương vấn những thương nhớ xa xôi, hay nổi lòng than thân trách phận, lúc khoan lúc nhặt, thì hò giã gạo là niềm vui của người nông dân Thanh Thủy Thượng. Sau mỗi vụ mùa, lúa đã được phơi khô quạt sạch, đêm đêm trên mỗi sân nhà, tiếng chày giã gạo rộn ràng và tiếng hò dồn dã vang lên của những đôi trai gái trong làng:

Đầu tiên là những câu hò mời :

Nam : Ơi o tê đứng chi ngoài đường cho muỗi cắn ho kêu,

          Vô đây cầm chày giã gạo, hò một đôi điều cho vui.

Nữ : Ơi hởi anh bựng áo trắng quần đen,

        Tới đây làm bạn, có chi mà thẹn thùng.

Sau những câu hò mời làm quen, tiếp đến là phần hò đâm bắt. Trong phần này, trai gái hò đối đáp qua lại, châm chọc nhau, thử tài nhau tạo nên không khí hết sức sôi động :

“ Thầy với mẹ sinh anh ra đỏ roi rói, cơm đầm gạo bới cho anh đi học đường xa. Một lớp da đôi ba lớp chữ: Tiên chữ, hậu chữ kế vương , trai nam nhân anh đối đặng, em giang tay giao hòa.”

“ Đối văn đối võ, đối một tụi học trò ” Ai mà đối đặng tui gã chị tui cho, ai không đối đặng thì mở bò đi ăn.

Sau những câu hò đối đáp, đâm bắt để thử thách trí tuệ, tài thông minh,trai gái đã hiểu nhau. Khi đã có tình cảm với nhau, những câu hò chuyển sang trao đổi với nhau những câu ân tình :

Việc tảo tần thì chàng sau thiếp trước,

  Việc hôn nhân thì chàng phải bước tới đầu.

  Trời xui đất khiến, bể lại gặp dâu,

   Hai ta mầng răng ở được cho trọn câu hiếu tình.”

Trời đã về khuya, buổi giã gạo sắp kết thúc thì những câu hò xa cách mang đầy luyến tiếc :

“ Rồi mùa toót rạ rơm khô

  Bạn về xứ bạn, biết nơi mô mà tìm.”



Hò Ô, hò ru con, hò giã gạo đều thuộc loại dân ca cổ truyền chung của Bình Trị Thiên , nhưng đối với Thanh Thủy Thượng những điệu hò này mang nhiều màu sắc riêng, nhiều nội dung phong phú phản ánh được hoàn cảnh xã hội tâm lý của dân làng.

Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ





  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian ở làng Thanh Thủy Thượng Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng