NHỮNG NGƯỜI VIẾT SỬ LÀNG THANH THỦY THƯỢNG
Viết Lịch sử không những để biết ơn những người đi trước đã bỏ biết bao công sức để xây dựng những cơ sở văn hóa vật chất và tinh thần cho các thế hệ hôm nay được thọ hưởng, nhưng quan trọng hơn là để phục vụ cho người sống. Sự thất bại hay thành công của quá khứ là những bài học kinh nghiệm hết sức giá trị để xây dựng cuộc sống hôm nay. Ai cũng biết việc dựng lại những bước đi của quá khứ có ý nghĩa giá trị như thế, nhưng mấy ai thực hiện. Đối với quốc gia, việc dựng lại Lịch sử có hẵn một tổ chức quy mô đầy đủ tài lực của nhà nước như Quốc Sử quán. Đối với địa phương, muốn viết lịch sử làng rất khó vì phải tự đầu tư nhiều công sức, tâm huyết mới thực hiện được. Ở Thanh Thủy Thượng có những người làm được việc này.
LÊ BÁ KỲ
Sinh ngày 30.5.1949 ( hồi nhỏ có biệt danh là Chạy)
Năm 1955 học trường tiểu học Thanh Thủy Thượng.
Niên khóa 1964-1965 học trường Nguyễn Tri Phương
Học Đệ Tam ở trường Nguyễn Huệ- Tuy Hòa.
Năm 1966-1968 học Đệ Nhị, Đệ Nhất trường Quốc Học- Huế.
Sau đó vào học Đại Học Khoa Học Huế và tốt nghiệp cử nhân khoa học môn vật lý năm 1972, đồng thời tốt nghiệp chứng chỉ IBM năm này, ngoài ra còn học them Anh văn, Hán văn…
Lê Bá Kỳ mất lúc 11h45 ngày 4.6.1996. nhằm ngày 18.4 Bính Tý, hưởng dương 47 tuổi.
Đã viết : Sống ở làng Nxb Văn Nghệ TP HCM- 2009.
“Sống ở làng” của Lê Bá Kỳ có thể nói là địa phương chí của làng Thanh Thủy Thượng (thuộc xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Đây là tập khảo luận từ lịch sử hình thành làng đến nguồn gốc cư dân cách ăn ở, sinh hoạt của dân làng mà tác giả đã dày công ghi chép, nghiên cứu, tìm hiểu qua những năm tháng sống ở làng.
Những nét chấm phá của Lê Bá Kỳ trong “Sống ở làng” rất sinh động. Từ việc lên độn Sầm ngắm cảnh đêan việc thi đua trải vào mùa lụt hay cảnh chơi bài ghế, bài chòi trong dịp Tết hoặc tả các thú đồng quê như bắt chuột, ba ba, ếch, cá rô…Đặc sắc nhất là các đoạn tả việc bẫy chim cu trong rẫy hay bẫy cò ngoài đồng.
……...
“Sống ở làng” của Lê Bá Kỳ khiến người đọc có những suy nghĩ về lối quy hoạch của người xưa- Từ quy hoạch đất thổ cư đến việc chia đất ruộng thành nhiều đạt và đào hói dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, tổ tiên ta đã tỏ ra có một trình độ cao; và hẳn làng đó đã đông dân số từ lâu mới đủ dân công mà đào mương, đắp đập, đắp đường có quy củ như thế…
Tập biên khảo “Sống ở làng” của Lê Bá Kỳ bao trùm nhiều vấn đề và gợi cho người đọc rất nhiều suy nghĩ. Kỳ là người có tấm lòng thiết tha với việc xây dựng và phát triển quê hương, mong sao cho làng xóm ngày một xinh đẹp hơn, mức sống của dân làng ngày một no đủ và sung sướng hơn. Rất tiếc Lê Bá Kỳ đã mất sớm, năm 1996, khi mới 48 tuổi.
Lê bá Kỳ là người tha thiết với làng nhưng lại bỏ thân nơi đất khách, để lại bao tiếc thương cho gia đình và đồng hương Thanh Thủy Thượng…(1)
Do không tiếp cận được những tư liệu gốc của làng ( Làng còn lưu giữ 21 bản sắc phong, một cuốn Châu bộ ruộng đất đời Thành Thái, một cuốn Văn tế. Mỗi Họ còn lưu giữ 2 bản sắc phong đời Duy Tân , Khải Định và các bản Tộc phả), vì thế một số thông tin về nguồn gốc, niên kỷ…chưa được chính xác.
Dù vậy, chúng tôi đón nhận tập biên khảo “Sống ở làng” của Lê Bá Kỳ với sự trân trọng: Đây là tấm lòng của người con làng Thanh Thủy Thượng thiết tha với quê cha đất mẹ.
(1) Dẫn từ : Đôi dòng giao cảm thay lời giới thiệu.của Lê Bá Tiếp.
Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ (tổng hợp)
NGÔ VĂN PHỐ
Khóa luận " Lịch Sử làng Thanh Thủy Thượng
trước cách mạng tháng Tám 1945"
Suốt mấy ngàn năm lịch sử, làng xã Việt Nam là cơ sở bền vững để bảo tồn sức sống và nền văn minh dân tộc mà bao thế hệ đã đổ mồ hôi nước mắt và cả xương máu của mình để vun đắp. Buổi đầu, làng xã cổ truyền là đơn vị tụ cư của những cư dân trồng lúa nước. Chế độ phong kiến ra đời, làng xã trở thành đơn vị hành chánh cấp cơ sở. Là đơn vị hành chánh thấp nhất, làng xã phản ánh rõ nét , lưu giữ đầy đủ nhất về cơ cấu tổ chức, về đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của từng thời kỳ lịch sử. Mỗi làng xã cổ truyền còn mang những nét đặc trưng riêng. Quá trình phát triển làng gắn liền với quá trình phát triển đất nước. Vì thế nghiên cứu lịch sử làng sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc.
Tìm hiểu lịch sử địa phương không phải chỉ đơn thuần dựng lại bức tranh quá khứ, mà còn phải phục vụ nhiệm vụ cách mạng của địa phương.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, làng Thanh Thủy Thượng phải trải qua chín năm kháng chiến chống Pháp, hơn hai chục năm kháng chiến chống Mỹ. Bộ máy quản lý làng xã có thay đổi, nhưng những nền nếp cổ truyền vẫn còn tồn tại mạnh mẽ. Có thể nói hành trang mà nhân dân Thủy Dương mang theo trên con đường xây dựng Chủ nghĩa Xã hội là làng Thanh Thủy Thượng còn tương đối nguyên vẹn. Nói cách khác, trong cuộc cách mạng XHCN ở Thủy Dương, đối tượng cãi tạo và xây dựng chính là làng Thanh Thủy Thượng. Đó là một cuộc cách mạng toàn diện liên tục và sâu sắc nhằm biến đổi toàn bộ cơ cấu kinh tế, văn hóa, xã hội của làng Thanh Thủy Thượng cổ truyền. Làm thay đổi nếp nghĩ tầm nhìn, lề lối làm ăn của người nông dân Thanh Thủy Thượng. Cho nên tìm hiểu những kinh nghiệm sản xuất, những truyền thống tốt đẹp, những di sản lạc hậu sẽ góp phần phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn trên bước đường xây dựng xã hội mới.
Tìm hiểu lịch sử làng cũng để tỏ lòng biết ơn những vị Khai canh và các thế hệ đã đổ biết bao công sức , trí tuệ để bạt đồi, lấp trũng, truyền lại cho con cháu những di sản quý báu hôm nay. Thế hệ trẻ Thủy Dương hiểu biết sâu sắc lịch sử của địa phương mình sẽ được bồi dưỡng thêm tình cảm yêu mến quê hương, có ước mơ cống hiến để làm đẹp quê hương , cũng chính là góp phần xây dựng Tổ quốc.
Được sinh ra và lớn lên trên mãnh đất Thanh Thủy Thượng, được sự thương yêu và đùm bọc của quê hương, bản thân hằng mong muốn đóng góp sức lao động và sự hiểu biết của mình cho quê hương làng xóm. Mặc dù biết rằng nghiên cứu về lịch sử địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn về mặt tư liệu, nhưng bản thân có quyết tâm cao, tự xác định đề tài này không chỉ là khóa luận tốt nghiệp Khoa Sử trường ĐHSP Huế mà còn là một sự tri ân với quê cha đất mẹ.
Trước đây, do quan niệm xem nhẹ những hoạt động sản xuất vật chất, do sự chi phối của quan điểm : lịch sử là lịch sử chính trị, lịch sử của các vua chúa, cho nên những nhà Sử học ngày xưa không chú ý đề cập đến các làng quê cổ truyền.
Vào giữa thế kỷ 16 Dương Văn An trong sách Ô Châu cận lục (viết năm 1553) gồm 6 quyển viết về phủ, huyện, châu xã, chợ búa, phong hóa xứ Thuận Hóa vào thời đó chỉ ghi: xã Ôn Tuyền thuộc huyện Tư Vinh. Phủ Biên tạp lục là tập bút ký của Lê Quý Đôn viết về Đường Trong nhất là xứ Thuận Quảng từ thế kỷ 18 trở về trước cũng là thời kỳ thành lập làng Thanh Thủy Thượng nhưng cũng chỉ đề cập một số chi tiết như xã Thanh Tuyền thượng thuộc tổng Sư Lỗ huyện Phú Vang.
Bộ Đại Nam thực lục tiền biên, chính biên gồm 15 tập viết từ giai đoạn 1558- 1888 cũng là giai đoạn phát triển làng nhưng chỉ một lần nhắc đến xã Thanh Thủy khi vua Minh Mệnh đi thăm sông Lợi Nông.
Sau ngày giải phóng 1975, đất nước được thống nhất, việc nghiên cứu lịch sử địa phương đã được nhiều cơ quan chú ý. Vấn đề viết lịch sử địa phương và phát huy truyền thống quê hương đã trở thành một yêu cầu chính trị của các đơn vị. Đảng Ủy, Ủy Ban nhân dân Thủy Dương hết sức quan tâm vấn đề này và đã kết hợp với Khoa Sử trường ĐHSP Huế viết “ Lịch sử Phong trào yêu nước và cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thủy Dương ( 1925- 1985 ) ” Trong đó bản thân tôi được tham gia viết phần kháng chiến chống Mỹ. Ông Lê Bốn viết “ Truyền thống cách mạng xã Thủy Dương ( Từ khi thành lập Đảng đến 1975 ).” Đến nay (1986) việc tìm hiểu lịch sử làng Thanh Thủy Thượng một cách có hệ thống chưa được nghiên cứu.
Trong đề tài này, chúng tôi tìm hiểu lịch sử làng Thanh Thủy Thượng từ khi thành lập cho đến trước cách mạng tháng Tám 1945. Riêng phần Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của làng TTT chỉ giới hạn tìm hiểu từ đầu cho đến trước ngày thành lập Chi bộ Đảng ( Phần tiếp đã được viết trong Lịch sử phong trào yêu nước và cách mạng của Đảng Bộ và nhân dân xã Thủy Dương ).
Như đã trình bày, nguồn tư liệu, sách vở chính thống viết về làng Thanh Thủy Thượng rất ít, nhất là trong việc tìm hiểu gốc tích làng. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi đã cố gắng sử dụng nhiều nguồn sử liệu có liên quan từ Gia phổ, Bia ký, đến những tư liệu thực địa, điền dã. Hiện nay làng còn lưu lại một số tư liệu quý có giá trị lịch sử như : Cuốn Châu bộ Thành Thái cấp vào năm Thành Thái thứ 11 (1899). Một cuốn Văn Tế bổn và 21 bản Sắc phong còn lưu giữ tại đình làng. Tất cả những tư liệu này đều bằng chữ Hán Nôm. Đây là những nguồn tư liệu chính xác trong việc tìm hiểu quá trình phát triển đồng ruộng , chế độ sở hữu ruộng đất của làng, Thành hoàng làng và các vị Phúc thần được sắc phong. Ở nhà thờ Họ có các bản Tộc phả và sắc phong của các vị Khai canh, các câu đối ; ở chùa có các bia ký, linh vị…giúp chúng tôi tìm hiểu gốc tích làng. Tư liệu điền dã cũng phong phú nhưng mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu và xác minh.
Để viết đề tài này, chúng tôi đã tìm nhiều tư liệu ở địa phương để cố gắng dựng lại bức tranh của quá khứ nhưng đồng thời cũng tham khảo nhiều nguồn sử liệu như Lịch sử Việt Nam tập 1, Đại Nam thực lục tiền biên, chính biên, Phủ Biên Tạp Lục, Nguyễn Huệ- Phú Xuân..để đối chiếu , xác minh sử liệu đồng thời cũng để thấy những nét đặc trưng của làng. Sau mỗi phần đều có rút ra những kết luận, những kinh nghiệm thiết thực cho cuộc sống hôm nay.
Lịch sử của làng phát triển muôn màu muôn vẽ, chúng tôi không có tham vọng phản ánh lại toàn bộ, mà chỉ cố gắng khôi phục những nét đặc trưng của làng, phản ánh cái bản chất của địa phương. Trong điều kiện khó khăn về tư liệu, chắc chắn đề tài này không tránh khỏi những thiếu sót, xin trân trọng đón nhận những góp ý, bổ sung của quý vị.
Để hoàn thành Khóa luận này, xin chân thành cám ơn :
-Thầy Lê Chương và các thầy cô giáo Khoa Sử trường ĐHSP Huế đã hướng dẫn, sửa chữa khóa luận, góp ý, giúp đỡ tài liệu tham khảo.
-Đảng Ủy, Ủy Ban Nhân Dân, Mặt Trận Tổ Quốc xã Thủy Dương mà trực tiếp là ông Phùng Yên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để viết đề tài.
Xin chân thành cám ơn :
- Bác Lê Viết Điền, Phan Khương đã dịch các tư liệu Hán Nôm.
- Nhân dân Thủy Dương , các bác Lê Bá Đề, Phùng Hoán, Nguyễn Thanh Huỳnh, đã cung cấp nhiều tư liệu dân gian, động viên bản thân hoàn thành Khóa luận.
Đây là bản Khóa luận tốt nghiệp đã được Bí Thư Đảng ủy xã Thủy Dương Lê Trọng Dẫn xác nhận. Đã được trình bày trước hội đồng khoa học Khoa Sử trường ĐHSP Huế và được xếp loại Xuất sắc vào 6. 1987.
Sau đó được tiếp tục bổ sung để đề tài được hoàn chỉnh hơn. Sau khi được nghỉ hưu, tôi đánh máy in 2 bản gửi Đảng Ủy phường Thủy Dương thông qua một lần nữa (2012).
Những bài viết về lịch sử làng Thanh Thủy Thượng của trang thanhthuythuong.com đều trích dẫn từ khóa luận này.
Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ
0 Comments:
Post a Comment