Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Một số hình ảnh giới thiệu chùa Thanh Quang




trầm tư bên hồ sen.

Tuổi thơ tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với chùa Thanh Quang. Ngôi chùa nằm trong tổng thể kiến trúc của đình làng Thanh Thủy Thượng, bao gồm chùa Thanh Quang, đền Khổng Tử và đình thờ mười ba vị khai canh. Phía trước mặt có  hồ bán nguyệt  mùa hè thoang thoảng hương sen.

Khi còn học lớp Nhì, tôi tham gia sinh hoạt tại chùa Nam Sơn. Đến lớp Đệ Lục có lẽ do sự đồng cảm với ban bè, tôi ra sinh hoạt ở chùa Thanh Quang. Đây là thời gian để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời tôi.

Hàng tuần, chúng tôi đến chùa vào những buổi chiều chủ nhật. Riêng tôi, ngoài giờ đi học tôi thường ra chùa, nhiều năm suốt ba ngày Tết tôi vẫn ở chùa. Ở  một mình trong ngôi nhà vắng vẻ thấy mình cô đơn quá. Ra chùa có nhiều việc để làm : tụng kinh, tu Bát quan trai…lại có người để hỏi chuyện. Người thủ tự lúc ấy là bác Kha. Bác là vị cư sĩ giỏi kinh kệ , được làng mời ra làm công đức : thắp hương , thỉnh chuông sáng chiều , công phu vào những ngày rằm, mồng một.

Ra chùa tôi thích nhất là được bác Kha cho thỉnh chuông chiều. Trước khi giao thỉnh chuông bác căn dặn :

-    Phải luôn tâm niệm thỉnh chuông chứ không phải đánh chuông. Nhiều người cứ  tưởng cứ lấy đùi đánh vào chuông là được, do quan niệm như thế cho nên tiếng chuông hoặc thô, hoặc chát chúa. Khi thỉnh chuông tâm phải lắng đọng, không suy nghĩ vẫn vơ mà phải tập trung vào chánh niệm. Mắt nhìn vào điểm đánh. Hai tay cầm trang trọng, đưa đùi chuông từ chậm đến nhanh vào núm chuông. Thỉnh chuông làm sao tiếng chuông trong trẻo ngân vang xa , ngồi ngoài hồ sen  nghe tiếng chuông mà thấy lòng mình thanh thản là được.

Lý thuyết là vậy. nhưng khi tôi bắt tay thực hành thật khó. Cái tâm cứ lăng xăng chạy nhảy nơi này sang nơi khác như con khỉ trèo cây. Tiếng chuông thì khi to khi nhỏ, có lúc bị đúp. Có 108 thẻ tre được xâu bằng sợi thép,  thỉnh một tiếng chuông thì phải chuyển qua một thẻ, thế mà cứ quên hoài. Tôi trao đổi điều này với bác Kha, bác cười xòa :

- Khi mới tập, ai chẳng vậy. Thậm chí nhiều người đánh mõ như bửa củi, tiếng mõ bị dộng nặng như muốn dội cả lồng ngực. Sau một thời gian khi tâm và thân là một, thì tiếng chuông, tiếng mõ ngày càng nhẹ nhàng thanh thoát, mang tính thiền vị. Do vậy người xưa thường hay nói về công hạnh tu tập. Đó là một quá trình hòa nhập giữa thân và tâm, giữa lời nói và việc làm. Bước đầu biết thỉnh chuông, gõ mõ chứ không phải đánh chuông mõ là được rồi.

Trong những người thường ra chùa, tôi là người  được uống trà nhiều lần với bác Kha. Có lần bác nói :

- Cháu uống trà nhưng có biết thưởng thức trà không - Bác vừa hỏi nhưng cũng vừa trả lời- với bác, uống trà không chỉ đơn thuần là giải khát mà còn mang nét đẹp văn hóa và đạo vị. Pha trà, rót trà cũng là một nghệ thuật. Khi cầm tách trà lên uống thì phải thưởng thức hương trà, rồi mới nếm vị trà. Hạnh phúc nhất là được uống trà trong an lạc. Đó là lúc chúng ta uống trà với tâm chánh niệm: Tôi uống trà tôi biết tôi đang uống trà.Tôi đang tiếp nhận những hạt nước Cam lộ vào từng tế bào của mình với niềm hạnh phúc vô biên. Xin nguyện tất cả chúng sanh cũng  được hưởng niềm hoan hỉ như tôi.

Thời gian cùng sinh hoạt tại chùa Thanh Quang tôi có rất nhiều bạn. Những người bạn đàn anh như bác Dẫn, Nguyện, anh Hạt, Mãn, Phan Luyện, Dược, Lội, Sen… Nhừng người bạn cùng trang lứa như Đê, Đoàn, Yên, Úy..Những người bạn ít tuổi hơn như Sinh, Giáo, Hóa, Hà, A, Cẩm, Hồng…Dù tuổi tác, học vấn khác nhau nhưng chúng tôi cùng nhau sinh hoạt đưới gốc cây bồ đề nên dễ có tiếng nói , suy nghĩ, sinh hoạt có nhiều điểm chung, vì thế chúng tôi gắn bó với nhau, thường quan tâm đến nhau, dù khi lớn lên mỗi người  ở một nơi xa nhau.

Người có ảnh hưởng nhiều đến chúng tôi là anh Hạt. Anh là người có duyên sớm với Đạo. Vào cấp Hai, anh được lên thành phố Huế học, anh được các thầy ở chùa vừa dạy võ, vừa hướng dẫn giáo lý đạo Phật. Nhờ vậy mà chỉ mới là học sinh cấp Ba, anh đã nắm được  Duy thức học, hiểu những nét cơ bản về kinh Kim cương, Duy Ma Cật, Pháp hoa…Vào những ngày hè, anh thường ra chùa để trì tụng các bộ kinh trên rồi động viên chúng tôi cùng tham gia. Anh lập Đội Huynh trưởng, đề ra nhiều phương thức để chúng tôi tu học. Trong những tháng hè, chúng tôi cùng nhau  tu Bát Quan trai .

Những lần tu Bát Quan trai đã tạo cho chúng tôi những ngày thật  hạnh phúc. Về cơ bản, trong suốt 24 giờ chúng tôi vẫn giữ tám giới của khóa tu Bát Quan trai, nhưng phần tu thì trong 24 giờ, ngoài những lúc làm lễ Phật, chúng tôi hoàn toàn giữ im lặng. Im lặng cả thân và ý để tìm về bản thể của mình. Tôi nhớ mãi lần anh hướng cho chúng tôi quán tưởng chiếc tách trà.

Sau khi chúng tôi ổn định ngồi bán già trước điện Phật, không thấy người nhưng tiếng anh Hạt vang rõ từng lời đến với chúng tôi:

- Hành giả hãy quán tưởng đang quán sát nắm đất sét.

Hãy nhào  nắm đất sét cho thật nhuyễn, sau đó nặn thành chiếc chung trà. Đến đây hành giả quán sát xem nắm đất sét có bị mất đi không, bây giờ người ta gọi đó là cái gì.

- Hãy tráng men rồi cho vào lò nung thành chén trà hoàn chỉnh. Rót nước vào uống. Hành giả thưởng thức cái sung sướng với thành quả lao động của mình. Bây giờ là chén trà của TÔI.

- Ném tách trà xuống nền nhà. Tách trà vỡ vụn. Những mảnh vỡ còn được gọi là tách trà nữa không? Có còn cái TÔI gắn với tách trà không? Hãy quan sát nổi buồn vì không còn chén trà của TÔI. Nổi buồn đó có thật không?

- Hành giả hãy dừng ý nghĩ lại, quán sát xem trong tôi có CÁI GÌ mà khi tôi vui, tôi biết tôi vui, khi tôi buồn tôi biết tôi buồn, khi tôi suy nghĩ tôi biết tôi đang suy nghĩ, khi tôi không suy nghĩ tôi biết tôi đang không suy nghĩ. Hãy an trú nơi CÁI ẤY để cảm nhận những phút giây an lạc.



Sau tiếng chuông báo hiệu hết giờ ngồi thiền, chúng tôi đi thiền hành.  Bước chân chậm rãi khoan thai làm cho lòng chúng tôi lắng lại.Những bước chân thình thịch, nóng vội đi vào cuộc đời được gát lại sau lưng. Mắt nhìn gót chân của người đi trước. Không một tiếng xào xạt. Mười lăm phút thiền hành trong tĩnh thức làm cho tôi không còn thời gian nhớ nghĩ những khổ đau của cuộc đời. Hết giờ thiền hành, chúng tôi đứng hàng ngang trước điện để tiến hành lễ Phật.

Mới học đạo, lễ Phật là một trong những phương pháp tu có hiệu quả nhất. Trong lúc tiến hành lạy thì đầu, hai tay, hai đầu gối phải chạm sát đất, thể hiện sự thành kính, khiêm cung. Đây là liều thuốc rất hiệu nghiệm  để điều trị bệnh “ ngã mạn ”, một trong những chướng ngại trên bước đường tu tập. Với lòng thành kính, lúc lạy Phật thân khẩu ý đều trở nên thanh tịnh. Đem tâm thanh tịnh này mà sám hối thì tội nào không tiêu. Do vậy lễ Phật có khả năng tiêu trừ tội chướng của mình đã tạo ra trong quá khứ. Lúc lạy Phật hai tay chắp lại, khi chân quỳ xuống thì hai tay buông nhẹ ra hai bên chống xuống đất, sau đó đầu gối mới quỳ xuống. Sau khi quỳ xuống, lòng bàn chân hướng lên, đồng thời hai tay duỗi ra trước một cách nhẹ nhàng cách đỉnh đầu khoảng một nắm tay thì lật bàn tay ngửa lên. Động tác này có ý nghĩa dùng đôi tay để đỡ chân Phật, thể hiện hết lòng  cúng dường chư phật, cũng có nghĩa xin nguyện chuyển hóa cảnh giới tâm linh của mình để tiếp nhận ánh sáng của Phật.

Lạy Phật là một vận động tổng hợp giữa Yoga và khí công: lúc chắp tay thì hít vào thật sâu, bụng phình ra. Lúc cúi xuống, bụng thóp lại thở ra, lúc duỗi tay ra nín thở tụ khí tại đan điền, đứng dậy hít vào. Lạy Phật có công năng rất lớn trong việc nâng cao sức khỏe và phát triển bồ đề tâm.

Buổi trưa, chúng tôi ăn cơm trong tĩnh lặng. Chỉ có cơm với nước tương. Không biết bao giờ đã hình thành trong chúng tôi một tâm nguyện: Ăn thì ăn cho hết, để thì để cho còn. Cơm hay thức ăn liệu sức mình mà sới ra bát, đã có trong bát của mình thì phải ăn cho sạch. Kết thúc bữa ăn thường cho một ít nước rau vào bát, ăn cùng những hạt cơm còn sót lại .

Sau thời gian nghỉ trưa, chúng tôi bước vào thời khóa trì kinh. Anh Hạt thường chọn một chương, một phẩm trong một bộ kinh để chúng tôi trì tụng. Không đọc lớn tiếng,chỉ đọc bằng mắt để suy ngẫm những lời Phật dạy.

Hết giờ trì kinh, chúng tôi lại đi thiền hành. Tất cả được điều hành bằng tiếng chuông với chường trình đã soạn sẵn được công khai đến từng người.

Buổi chiều không  ăn cơm ( một trai giới là không ăn quá giờ ngọ ), vì thế ban đêm cũng chỉ đọc sách Phật pháp, ngồi thiền rồi đi ngủ. Năm giờ sáng thức dậy, làm vệ sinh cá nhân xong thì cùng vào điện Phật làm lễ xả giới.

Là những thanh, thiếu niên đang còn học trung học, đang còn tuổi ham chơi, thế mà suốt một ngày một đêm không nói tiếng nào, lại phải nhịn đói từ trưa hôm trước, thật  đáng khâm phục. Xả giới xong, vừa ra khỏi điện Phật thì chúng tôi đã bắt đầu đùa giỡn, chọc cười nhau, rồi nhanh chóng trở về nhà tìm cơm nguội . Chỉ có cơm nguội với nước mắm hay xì dầu nhưng ăn ngon đáo để.

Trên tinh thần ngày tu Bát quan trai, chúng tôi có sáng tạo một cách tu chỉ một giờ nhưng phù hợp với mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng. Giờ tu được quy định chung hàng tuần vào tối thứ bảy, từ 21 giờ đến 22 giờ. Thời gian này không ảnh hưởng đến việc học. Ngày thứ sáu chúng tôi mỗi người nhận được một thư nhỏ như sau :

            Mời bạn tham gia một giờ im lặng.

Thời gian từ 21 g đến 22 g  thứ bảy ngày…. tháng.. năm…

Địa diểm : tùy mỗi người .

Kế hoạch như sau :

   - 21g: Phát nguyện, ngồi thiền.

   - 21g30 Thiền hành.

   - 21g40 Trì kinh ( Tự chọn Kinh )

   - 22g :   Xả giới.

       Nam mô Thường Tinh tấn Bồ Tát Ma ha tát .

Những lần tu học như thế không làm cản trở đến việc học ở trường mà trái lại, trí óc chúng tôi được minh mẫn hơn, do đó việc học ngày càng tiến bộ rõ rệt. Hành động, lời nói ngày càng nhẹ nhàng, được nhiều người yêu mến. Cha mẹ bạn bè thấy chúng tôi cùng chơi cùng học càng an tâm hơn, tạo điều kiện dễ dàng để chúng tôi gần gũi nhau thêm.

Ngoài tu học, chúng tôi cò nhiều hoạt động vui chơi phù hợp với lứa tuổi của mình. Hoạt động mà chúng tôi thích nhất là cắm trại vào những ngày lễ Phật Đản, Vu Lan…Khu đất rộng sau chùa được các anh bố trí chúng tôi đóng trại theo từng Đội, Đàn. Ở giữa là khu tập trung sinh hoạt chung hay để đêm đến, tiến hành lửa trại . Có năm chúng tôi dựng một trại sàn bằng tre ở giữa hồ sen, một chiếc cầu treo từ bờ hồ ra đến trại sàn. Phải tốn rất nhiều công sức nhưng vui làm sao.

Quá trình tu học và kiến thức căn bản về đạo và đời  đã ăn sâu vào tiềm thức tuổi thơ tôi, góp phần hình thành phong cách sống của bản thân tôi sau này.

Mùa hè, lúc rãnh rổi chúng tôi thường ra bờ hồ ngồi hóng mát. Ngắm nhìn những đóa sen đang tỏa hương , tôi thầm phục những mầm sen dưới đáy hồ: dù ở trong bùn nhưng biết vươn lên đem cái đẹp cho đời. Trong mỗi chúng ta, ai cũng có mầm sen, nếu mầm sen của mình hàng ngày được chăm sóc, huân tập thì sẽ có sức sống mạnh mẽ như những mầm sen dưới đáy hồ kia.

Nếu mai là ngày cuối cùng,

Hôm nay vẫn nguyện ươm trồng mầm sen.

Nguyên Tri. NGÔ VĂN PHỐ

  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Một số hình ảnh giới thiệu chùa Thanh Quang Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng