Làng Thanh Thủy Thượng
Điểm Tin

Địa Danh Thanh Thủy Thượng qua các thời kỳ lịch sử



ĐỊA DANH THANH THỦY THƯỢNG QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ

Năm 1306 vua Chiêm Thành là Chế Mân đem hai châu Ô, Lý (Thừa Thiên, Quảng Trị ) làm lễ vật cưới công chúa Huyền Trân. Năm 1307 vua Trần Anh Tông đổi tên Ô, Lý thành Thuận Hóa:

“Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 14 (1306), Bính Ngọ, vua Chiêm Thành là Chế Mân sai sứ sang biểu cầu hôn. Vua xuống chiếu đem Huyền Trân công chúa gả cho. Chế Mân đem hai châu Ô, Lý làm vật cưới. Năm 15, Đinh Mùi, vì người các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không phục, vua sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hải đến tuyên bố đức ý, đổi Ô, Lý làm hai châu Thuận Hóa, chọn lấy người trong dân chúng cho làm quan, vẫn cấp ruộng đất và miễn to thuế 3 năm ”. (1)

Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn thì đến đầu thế kỷ 15 phủ Thuận Hóa có 2 châu 11 huyện với 1.470 hộ, 5.662 khẩu:

“Phủ Thuận Hóa lĩnh 2 châu 11 huyện: Thuận Châu 4 huyện là Lợi Điều, Thạch Lan, Ba Lãng, An Nhân; Hóa châu 7 huyện là Lợi Bồng, Sạ lệnh, Tư Dung, Bồ Đà, Sĩ Vang, Trà Kệ.” (2)

Đến đời Lê Thánh Tông (1460-1497) cho định lại bản đồ Hồng Đức, xứ Thuận Hóa có 2 phủ là Tân Bình và Triệu Phong.

Phủ Triệu Phong có 6 huyện 2 châu là: huyện Kim Trà,  Đan Điền, Hải Lăng, Tư Vang, Điện Bàn, Vũ Xương. châu Sa Bôi, Thuận Bình. Huyện Tư Vang ( gồm hai huyện Tư Dung và Sĩ Vang hợp lại) có 6 tổng 52 xã.

Theo Dương Văn An viết trong sách Ô châu Cận Lục vào năm 1553 thì huyện Tư Vinh có 67 xã :.. Thanh Lam, Phấn Vũ, Mộc Hân, Công Minh, Dã Lê, Vân Thê, Lê Xá, Ôn Tuyền, Đồng Hồ, Đồng Dần, Văn Sát, Diên Đại, Lương Văn, Phù Bài, Phù Lang…

Năm Vạn Khánh thứ 7 Mậu Thân 1668, chúa Nguyễn Phúc Tần sai người đo ruộng ở Thuận Hóa, định làm ba bậc và các hạng đất bãi đất khô để trưng thu thóc thuế. Công điền thì cho bản xã chia mà cày và nộp thuế; tư điền các họ thì cho họ cày cấy luôn mà nộp thuế riêng. Xã Thanh Tuyền được cấp sổ ruộng để đóng thuế.

Từ năm Canh thân 1740 khi mới thành lập, làng Thanh Thủy Thượng là một bộ phận của xã Thanh Tuyền .

Tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 31, Canh Dần (1771) chúa Nguyễn sai quan và thông lại các huyện soạn ruộng tư các Họ ở các xã. Địa bàn Thanh Tuyền mới thành lập được chính thức công nhận là một đơn vị hành chính: Xã Thanh Tuyền Thượng thuộc Tổng Sư Lỗ, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa

Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, trước năm 1776 làng TTT đã trở thành một đơn vị hành chánh dưới thời Nguyễn Phúc Thuần :

“Tổng Sư Lỗ, 15 xã 8 phường: các xã Sư Lỗ thượng, Sư Lỗ hạ, Thanh Tuyền thượng, Thanh Tuyền hạ, Đồng Di, Văn Giang, Lương Khê, Lương Phúc, Thần Phù, Lương Văn, Phù Bài, La Chức, Tô Đà, An Nông, Thủy Bạn..”.(3)

 Năm 1807 vua Gia Long cho cải tổ lại khu vực hành chính, quy lại xóm làng. Lúc này dân cư làng Thanh Thủy Thương đã khá đông đúc, theo nguyện vọng của dân làng, triều Gia Long đã tạm phân điền thổ xã Thanh Tuyền, lập sổ bộ chia ruộng đất giữa hai làng. Tuy nhiên hai làng Hạ và Thượng còn có nhiều ý kiến bất đồng, cứ kiện nhau về ruộng đất. Đến đời Thành Thái 11 (1899) triều nhà Nguyễn phải cho quan quân về đóng suốt cả tháng tại cửa Kênh để giải quyết . Việc tranh chấp được hòa giải, triều đình chính thức cấp Châu bộ Thành Thái cho làng Thanh Thủy Thượng, huyện Phú Vang, Dinh Quảng Đức.

Tháng giêng Minh Mạng năm thứ tư (1823 ) vua Minh Mạng chia dinh Quảng Đức thành hai bộ phận : Kinh thành Phú Xuân và phủ Thừa Thiên .Minh Mạng năm thứ 16 (1835 ) cắt một phần đất của Phú Vang và Hương Trà lập thành huyện Hương Thủy. Đến đời vua Thiệu Trị (1841-1847), tên tục của vua là Nguyễn Phúc Tuyền (Toàn) vì thế Thanh Tuyền đổi thành Thanh Thủy. Sắc phong ngày 08 tháng 11 Thiệu Trị năm thứ 2 ghi : Giáp Thượng, xã Thanh Thủy, huyện Hương Thủy.

Làng Thanh Thủy Thượng thuộc huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên .

Địa phương Thanh Thủy được các vua Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức ghé thăm , Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi lại :

“Năm Gia Long thứ 13 (1815), xa giá đến Thanh Thủy cho triệu phụ lão đến hỏi và dụ bảo biệc đào sông, phụ lão thưa rằng: “khai sông này thật lợi cho nông dân”, bèn sai đào…” .(4)

Vua Minh Mệnh ghé thăm Thanh Thủy vào năm 1821:

Tân tỵ năm Minh Mệnh thứ hai (1821) vua đến xã An Vân, Cổ Vưu xem lúa ruộng, triệu kỳ lão đến hỏi, đều nói lúa năm nay tốt hơn những năm gần đây nhiều. Vua cả mừng đi thăm sông Lợi Nông , triệu kỳ lão xã Thanh Thủy hỏi. Đáp rằng hiện nay lúa hơi tốt, nhưng chưa biết thu hoạch sẽ ra sao. Vua nói: “Trẩm vì dân mà lo việc nông, được mùa thì mừng, chứ không phải là nhân thể mà đánh thuế nặng thêm, sao không nói thực, há không phải là phụ ý trẩm ư.”.(5)

Vua Tự Đức đã đáp thuyền rồng ở Bến Quan, lên dãy Tam Sơn làng Thanh Thủy Thượng vào năm 1861 để thị sát khi có ý định xây lăng mộ của mình ở đây.

Xã Thanh Tuyền được phân chia cho hai làng. Làng Thanh Thủy ở vùng đất cao gọi là Thanh Thủy thượng, còn làng Thanh Thủy ở vùng ruộng thấp thì gọi là Thanh Thủy hạ. Theo chữ Hán, thượng hạ còn có nghĩa là trên, dưới. Dân làng Thanh Thủy hạ kiện với vua, được triều đình ghép chữ thượng với chữ hạ thành chữ chánh. Chánh có nghĩa là gốc. Từ ý nghĩa tên làng, người dân Thanh Thủy vẫn ghi nhớ nguồn gốc của mình từ Thanh Thủy chánh mà lên.

Đến thời Pháp thuộc, trong đợt Cải lương hương chính năm 1927 thực dân Pháp đặt làng Thanh Thủy Thượng thuộc tổng Dạ Lê, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

Cách mạng tháng Tám thành công, làng Thanh Thủy Thượng hợp nhất với Thanh Thủy Chánh thành xã Hồng Thủy. Ngày nay làng Thanh Thủy Thượng thuộc phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Tóm lại, làng Thanh Thủy Thượng có tên đầu tiên là Ôn Tuyền: suối nước ấm. Sau đó có tên là Thanh Tuyền : suối nước trong xanh. Vua Thiệu Trị đổi thành Thanh Thủy: nước trong xanh. Cách mạng tháng Tám thành công, hợp cả hai làng Thanh Thủy Chánh và Thanh Thủy Thượng lại thành xã Hồng Thủy : nước mang màu cờ cách mạng., Đây là xã anh hùng trong kháng chiến chống Pháp. Hiện nay, Thủy Dương có nghĩa là nước xanh dương, mang màu xanh của biển.

Nước khe, suối, ấm, mát.. cũng là nước. Địa cuộc Thủy Dương có hình thể con dơi. Trong kiến trúc thời phong kiến, con dơi là biểu tượng chữ Phúc. Địa cuộc chữ Phúc mà luôn được Thủy tưới mát, vì thế ngày càng phát triển, hưng thịnh.

Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ

Ghi chú:

(1). Lê Quý Đôn - Phủ Biên Tạp Lục NXB VHTT 2006 trg 40.

(2).            -  nt -                                                              trg. 46

(3)              - nt -                                                               trg 99
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Địa Danh Thanh Thủy Thượng qua các thời kỳ lịch sử Rating: 5 Reviewed By: Thanh Thủy Thượng