GỐC TÍCH LÀNG
Cách đây bốn nghìn năm, làng Thanh Thủy Thượng ( TTT ) là một phần đất thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang, thời các vua Hùng dựng nước. Từ sau năm 179 TCN cho đến cuối thế kỷ II SCN, TTT là vùng đất của quận Nhật Nam dưới ách thống trị của phong kiến phương Bắc. Năm 192, nhân dân Chàm - một tộc người anh em của nhân dân Việt – đã đánh đuổi phong kiến Trung Quốc ra khỏi đất Nhật Nam, dựng nước Champa độc lập từ đèo Ngang cho đến Thuận Hải. Vào năm 1306 sau đám cưới công chúa Huyền Trân con vua Trần với vua Chàm là Chế Mân, vùng đất châu Ô, châu Lý ( Quảng Trị, Thừa Thiên cũ ) đã trở về với Tổ quốc. Hai châu Ô, Lý được đổi thành trấn Thuận Hóa, người Việt bắt đầu đến đây để định cư, khai hoang lập làng vào đầu thế kỷ XIV. Sang đời nhà Lê, vua cho đặt Tam Ty, phủ huyện để quản lý, nhưng dân cư vẫn còn thưa thớt, vùng đất làng TTT còn là vùng đồi núi hoang vu chưa được khai phá.
Xứ Thuận Hóa đầu thế kỷ XV có 5 662 suất đinh và 1.470 nhà (1).
Đến thời Hậu Lê, nội bộ triều đình từ khi Nguyễn Kim chết đã nảy sinh mâu thuẩn gay gắt giữa hai dòng họ Trịnh Nguyễn đang tôn thờ vua Lê . Trong số hai người con trai của Nguyễn Kim thì một người là Nguyễn Uông đã bị Trịnh Kiểm ám hại, người con thứ hai là Nguyễn Hoàng cũng đang ở trong tình trạng bị đe dọa. Trước tình hình đó Nguyễn Hoàng phải vận động xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa để tránh khỏi âm mưu sát hại của Trịnh Kiểm và lo xây dựng lực lượng lâu dài về sau.
Năm 1558 Nguyễn Hoàng nhận cờ tiết chế vào trấn thủ Thuận Hóa.
“ Anh Tông, năm Chính Trị thứ 1 (1558), Mậu Ngọ, Thế Tổ Thái vương (Trịnh Kiểm) sai Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng đem quân bản dinh đi trấn thủ Thuận Hóa ”(2) .
Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa đã đem theo những người thân tín tài giỏi, là những thành phần nòng cốt của mình, trong đó có võ tướng tâm phúc Ngô Phủ Quân ( Ngô Thù ) - Sau này trở thành Bổn thổ Thành hoàng làng Phù Bài.
Gia phả họ Ngô Lang Xá của Ngô Viết Hòa: “Kỳ thời thống tướng Trịnh Kiểm ngôn vu đế, Lê đế chuẩn, Thái Tổ phân binh ngự Mạc, sở hướng khắc tiệp, dự hữu chiến công. Cập Mạc thối suy, công tại Thuận Hóa, hỹ kiến thử thổ địa sơn xuất hình thắng”
Dịch: Lúc bấy giờ thống tướng Trịnh Kiểm nói với vua cho Thái Tổ ( Nguyễn Hoàng ) vào trấn thủ Thuận Hóa. Ông ( Ngô Thù ) theo Thái Tổ phân binh đánh Mạc, đánh đâu thắng đó, lập nhiều chiến công. Sau ngày Mạc bại ông thấy ở Thuận Hóa đất đai rộng rãi phì nhiêu…
Đến Thuận Hóa, ngài võ tướng Ngô Thù được được phân công chỉ huy đồn An Nông, một chốt tiền tiêu bảo vệ thủ phủ Thuận Hóa.
Sau khi xây dựng đồn An Nông, bố trí lực lượng đề phòng giặc Chiêm Thành ở phía Nam, ngài Ngô Thù chiêu dân khai hoang lập làng. Ngài đã cùng nông dân khai hoang một vùng đất rộng lớn từ An Cựu cho đến Phú Bài
Với một vùng đất đai rộng lớn, ngài Ngô Phủ Quân đã nhượng một phần đất ở Phù Bài cho các ngài khai canh Nguyễn Đương, Lê Trại (đến sau ngài Ngô Thù gần 20 năm), nhượng phần ruộng ở Bàu Phù Nam và Bàu Năng cho ngài Nguyễn Đà khai canh làng Nong.
Đất ở Thanh Thủy được phân chia cho con trai thứ hai Ngô Lực. Ngài Ngô Lực trở thành Khai canh làng Thanh Thủy: “Thủy Tổ Khai canh Tòng Quân Thị Thọ Đặc Tấn Phụ Quốc, Thượng Tướng Cẩm Y Vệ Chánh Dinh Chưởng Cơ Lực Tài Hầu Ngô Quý Công”
Đất ở Lang Xá được phân cho con trai út Ngô Điêu. Ngài Ngô Điêu trở thành khai canh làng Lang Xá: “Bản Thổ Tiền Khai Canh Ngô Viết Đại Lang”
Riêng phần ruộng đất ở làng Phù Bài thì giao cho người con trưởng Ngô Tôi. Ngài Ngô Tôi trở thành Tiền Khai canh Ngô Đại Tôn của làng Phù Bài :
“Trưởng nam theo gót chân cha,
Thứ nam Thanh Thủy và Lang Xá Bàu.”
Cùng đến Thanh Thủy khai canh lập làng với ngài Ngô Lực, còn có các ngài Lê Diên, Lê Trọng, Lê Viết, Lê Đô, Nguyễn Diên, Nguyễn Thanh, Nguyễn Viết, Phùng , Phan, Đặng, Trần .
Việc Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, ngoài những tùy tướng, binh lính, còn có hàng loạt người nông dân nghèo khổ, không có ruộng đất làm ăn đã di cư theo để tìm kế sinh sống.
“Trong lịch sử Việt Nam từ mùa đông năm 1557-1589 ngót nửa thế kỷ, vùng Thanh Nghệ không những là vùng giao tranh ác liệt mà còn bị thiên tai địch họa liên miên dân chúng phải bị chết đói, bệnh tật phải phiêu tán kiếm ăn.”
“Bấy giờ đất Thanh Hóa bị đói luôn, những nông dân nghèo khổ kéo nhau vào Thanh Hóa làm ăn ngày càng nhiều, tạo điều kiện cho Nguyễn Hoàng xây dựng lực lượng, phát triển kinh tế..” (3)
Khi các ngài khai canh của làng Thanh Tuyền chưa có mặt trên mảnh đất này thì ở đây chỉ là vùng hoang hóa, cây cối lau lách um tùm.
“ Thế kỷ XVI, vùng Thuận Hóa, Quảng Nam nói chung kinh tế còn lạc hậu đất hoang còn nhiều và xóm làng còn thưa thớt. Từ lâu những người nông dân phá sản, bị bần cùng hóa ở phía bắc đã di cư vào đây để khai phá làm ăn. Những người nông dân di cư này đã góp phần quan trọng trong việc khai phá đất hoang, lập nên nhiều làng mới bên cạnh những đồn điền của nhà nước phong kiến ”.(4)
Với một số người ít ỏi, nhưng với tinh thần lao động cần cù và kinh nghiệm sản xuất của cha ông từ ngàn xưa, các vị khai canh đã san cồn lấp trũng. Địa bàn canh tác ngày càng rộng, một số người còn lên khai hoang vùng đất thấp dưới chân Độn Sầm. Dần dần con cháu đâm chồi nẩy lộc, biến vùng đất hoang hóa thành vùng dân cư đông đúc.
Quá trình khai phá làng cũng là quá trình chống thiên tai khắc nghiệt, xảy ra liên tiếp :
“Năm 1637 mùa hè, Thuận Hóa đói to.
Năm 1641 trời hạn lâu ngày,lúa má khô héo,giá gạo tăng vọt, mỗi đấu trị giá 60 đồng tiền, dân chết đói nhiều .
Năm 1665 mưa dầm lâu,nước lụt mênh mông.
Năm 1677 dân ở các huyện ven biển bị ngập nước mặn lúa chết hết.
Năm 1685 nước lụt mênh mông, sâu 5, 6 thước.
Năm 1688 lại lụt to, nước sâu 3,4 thước”.(5)
Là một vùng đất mới khai phá, phải chịu nhiều thiên tai liên tiếp, nhưng cơ cực hơn, dân làng phải chịu dồn ép vào cuộc nội chiến tương tàn. Lực lượng trai tráng trong làng bị họ Nguyễn huy động thành công cụ để thực hiện mưu đồ cát cứ. Thiên tai ,chiến tranh, người dân làng phải sống thời kỳ bần cùng nhất trong lịch sử khai phá của mình. Khi chiến tranh tạm chấm dứt (1672 ) quan lại, địa chủ thi nhau bóc lột nông dân để thỏa mãn ăn chơi, phè phởn. Nghiêm trọng hơn là tình trạng chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến. Chế độ cấp ruộng ngụ lộc cho quan lại địa phương không thỏa mãn túi tham của họ,cho nên quan lại thi nhau tranh đoạt những thành quả lao động của người nông dân trong quá trình khẩn hoang. Những người nông dân nghèo khổ từ Thanh Hóa vào đây, ra sức khai phá đất hoang, phải chịu trăm đắng nghìn cay, nhưng cuối cùng vẫn là những người nông dân nghèo khổ không có mảnh đất để cày cấy.
Người dân Thanh Tuyền chỉ còn một con đường là phải tìm nơi khai hoang mới để mở rộng diện tích canh tác.
Năm Cảnh Hưng nguyên niên – Canh thân 1740 (6) những người dân làng nghèo khổ nhất lại bồng bế nhau tiến lên phía đồi núi Độn Sầm để khai phá vùng đất mới. Một nửa dân họ Lê Diên, Ngô, Nguyễn Diên, Lê Trọng, Lê Viết, Lê Đô, Nguyễn Thanh, Phùng, Phan, Đặng, Trần, đã ngậm ngùi chia tay gia đình để ra đi lập làng mới: Thanh Tuyền Thượng.
Thời vua Thiệu Trị ( 1841-1847), có bà tên Phạm Thị Ngọc Chơn là người có nhan sắc, được tuyển vào làm cung phi cho Nguyễn Phúc Hồng Nhậm quận công, là con thứ hai của vua Thiệu Trị. Sau khi Hồng Nhậm lên ngôi lấy hiệu Tự Đức, bà được phong : Hoàng phi Phạm Thị Ngọc Chơn Hồng quận phu nhân. Do vua Tự Đức không thể sinh con, trước khi chết, bà có nguyện vọng đưa bà về quê. Tục tuyền rằng khi đám tang Bà đi đến đâu, trên trời có một đám mây bay theo bao phủ một vùng rộng lớn quanh quan tài. Khi đến Cồn Tiêu, Hoành hạ, ranh giới giữa hai làng Thanh Thủy Chánh và Thanh Thủy Thượng, gần giáp làng Dạ Lê thì đám mây dừng lại. Người ta chôn cất Bà ở đây.
Vùng đất chôn Bà được gọi là xứ Mộ Cung ( Mộ của bà cung nữ ). Hiện nay, con cháu đã lập nhà thờ Phạm Bà tại xã Thủy Thanh.
Triều nhà Nguyễn đã có sắc phong cho làng Thanh Thủy Thượng lo việc phụng thờ bà Phạm Thị Ngọc Chân :
Sắc phong Duy Tân của bà Phạm Thị Ngọc Chân
Sắc: Thừa Thiên phủ, Hương Thủy huyện,Thanh Thủy xã, Thượng giáp. Tùng tiền phụng sự Hoàng Thái Phi Phạm Thị Ngọc Chân Hồng Quận phu nhân Tôn thần. Nguyên tặng: Trinh Uyển, Dực bảo trung hưng Tôn thần, hộ quốc tí dân, nẫm trước linh ứng, tiết mông phân cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chánh trực trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh phân bửu chiếu đàm ân lễ long đăng trật.
Trước gia tặng : Trai Tịnh, Trung đẳng thần.
Đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.
Khâm tai.
Khải Định cửu niên. Thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật.
(Sắc mệnh chi bửu)
Theo các vị bô lão, vì họ Nguyễn Viết không lên lập làng Thanh Thủy Thượng, lại có con cháu của họ Hồ đến sinh sống, làng đã mời ngài Thứ Đội trưởng Hội Toàn Bá đứng tên trong danh sách các vị khai canh lập làng. Và cũng do làng Thanh Thủy chưa có họ Phạm ( Thượng vô Nguyễn Viết, Chánh vô Hồ, Phạm ) các cụ trong làng phải thay nhau đứng lễ trong các ngày kỵ Phạm Bà. Tuy nhiên sau lễ thì các cụ hầu hết đều gặp tai ương. Chỉ khi các thầy giáo họ Phạm do làng mời về dạy học cho con em trong làng đứng lễ thì được bình yên . Lúc này, ngài Lê Đô không có con cháu nối dõi, chỉ còn 11 Họ. Làng đã xin với triều đình nhà Nguyễn sắc phong khai canh cho ngài Cao Bình Bá Phạm phủ quân ( có công phò Nguyễn và trung hưng nhà Lê ) được Duy Tân chuẩn y bằng sắc phong ngày 08.07 Âl (1913), Khải Định năm thứ 9 sắc phong ngày 27.8.1924. Bản sắc phong Khải Định đang còn lưu tại đình làng.
Sắc phong Duy Tân của ngài Phạm Phủ Quân
Theo bản chúc văn khai canh đọc trong lễ thu tế hàng năm, thứ tự danh hiệu các vị khai canh như sau:
- 1./Lê Diên :
Khai canh: Bắc giang phủ, đồng tri phủ, Lễ Thành Hầu, Lê quý công. Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
- 2./Ngô :
Khai canh : Đặc Tấn phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Chánh dinh chưởng cơ, Lực Tài Hầu, Ngô quý công Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
- 3./Nguyễn Diên :
Khai canh : Đặc Tấn phụ quốc thượng tướng quân,Thiên Ngưu Vệ Hiệu Nghĩa, Tiền Sở quản lãnh, Đông Khê Hầu, Nguyễn Quý công. Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
- 4./Lê Bá Thúc Quý :
Khai canh : Đặc Tấn phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ, Ty chỉ huy sứ, Cai đội, Thụy Thuần Nhã, Hoằng Cung Hầu, Lê quý công. Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
- 5./Lê Viết :
Khai canh : Đặc Tấn phụ quốc thượng tướng quân, Khâm sai Chưởng cơ, Cẩm y vệ, Cai đội, Trà Lam Hầu, Lê Quý công. Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
- 6./Lê Đô : ( Vô tự không có dòng nối dõi )
Khai canh: Quốc tử giám sanh, Đô quan hầu, Lê Động Đình quý công. . Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
- 7./Nguyễn Thanh :
Khai canh : Cai đội, Lôi Oanh Hầu, Nguyễn quý công. Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
- 8./Phùng :
Khai canh : Lăng Thành Hầu, Phùng quý công. Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
- 9./Phan :
Khai canh : Đặc Tấn phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ , Cai tri tham tướng, Đạt Nham Hầu Phan quý công. Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
- 10./Đặng :
Khai canh : Dư Dụ Hầu, Đặng quý công. Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
- 11./Trần :
Khai canh : Đặc Tấn phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ Phó quản lãnh, Trần quý công, thụy Khánh Đôn. Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
- 12./Phạm :
Khai canh: Cao Bình Bá, Phạm quý công. Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
- 13./Hồ :
Khai canh : Thứ đội trưởng, Hội Toàn Bá, Hồ quý công. Trước phong : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Gia tặng : Đoan Túc Tôn Thần.
Như vậy, cho đến ngày nay làng Thanh Thủy Thượng vẫn đủ Thập nhị Tộc trưởng, mặc dù ngài khai canh Lê Đô không còn dòng nối dõi . Làng Kỵ ngài Lê Đô vào 24 tháng 8 Âl hàng năm .
Nguyên Tri NGÔ VĂN PHỐ
Ghi chú:
(1) Lê Quý Đôn – Phủ Biên Tạp Lục – NXBVHTT trang 46
(2) -nt- trang 57.
(3) (4) Lịch Sử Việt Nam T1 NXB KHXH Hà Nội trang 294
(5) Lịch sử Việt Nam q2 tập 1 NXB Giáo Dục-Hà Nội 1976 trang 136
(6) Theo Bia ký chùa Nam Sơn. Gia phả và bia ký họ Lê Diên. Gia phả họ Lê Bá Thúc Quý.
0 Comments:
Post a Comment